Bệnh lý suy giáp, khó nhận biết nhưng không thể bỏ qua

An Nhiên |

bệnh lý khá phổ biến trong dân số với những biểu hiện lâm sàng đa dạng, suy giáp vẫn thường bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác khiến người bệnh chủ quan và chậm trễ trong việc thăm khám dẫn đến hậu quả không tốt.

Tập 3 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng với chuyên gia tư vấn là PGS-TS, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp - Trường đại học Y dược TPHCM.

Chương trình tuần này mang đến những kiến thức bổ ích liên quan đến các bệnh lý suy giáp, giúp khán giả hiểu hơn về bệnh lý này và có cách thức phòng ngừa và điều trị hợp lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể với nhiệm vụ tiết ra các hormone tuyến giáp giúp tăng cường các hoạt động của cơ thể.

Tuyến giáp tác động đến hoạt động của rất nhiều cơ quan như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, các hoạt động cơ bắp tốt hơn… Suy giáp có thể do bẩm sinh, người mẹ bị cường giáp và phải uống thuốc kháng giáp tổng hợp ảnh hưởng tới thai nhi.

Tuy nhiên, khi cho con bú hoặc đang mang thai thì không nên ngưng uống thuốc hormone điều trị suy giáp vì: Việc ngưng sử dụng thuốc hay tự ý giảm liều không những làm các triệu chứng suy giáp thêm trầm trọng mà còn làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Lượng hormone đầy đủ có liên quan đến nguồn sữa mẹ, nếu ngừng thuốc sẽ dẫn đến suy tuyến giáp tăng thì có thể gây mất sữa. Các nghiên cứu đã chứng minh lượng thuốc đi vào sữa mẹ là rất nhỏ và gần như không gây ảnh hưởng đến trẻ. Để giảm thiểu ảnh hưởng của thuốc đến sữa mẹ, người mẹ nên uống thuốc xa thời điểm cho con bú.

Ngoài ra, bác sĩ cho biết thêm: “Các bệnh liên quan tới tuyến giáp như viêm giáp, ung thư tuyến giáp cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giáp”.

Dấu hiệu của suy giáp thường âm thầm và khó nhận biết như: sợ lạnh, hay quên, có hiện tượng dị cảm ở đầu ngón tay và ngón chân; biểu hiện da như phù niêm, mặt tròn, sưng phù quanh mắt; thường xuyên bị táo bón, nhịp tim chậm và bóng tim to ra… Những dấu hiệu này thường khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên thường chậm trễ trong việc thăm khám dẫn đến tình trạng bệnh trở nên nặng, khó điều trị.    

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khẳng định suy giáp là bệnh mãn tính nên không thể nào chữa khỏi hoàn toàn: “Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh suy giáp là kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc khi thấy bất thường ở vùng cổ hay xuất hiện các triệu chứng suy giáp thì nên gặp bác sĩ ngay. Đối với phụ nữ có thai hoặc dự định có thai nên tầm soát bệnh lý tuyến giáp để có một thai kỳ khỏe mạnh”.

Nói về cách điều trị, chuyên gia khuyến khích người bị suy giáp thì nên bổ sung i-ốt trong khẩu phần ăn hằng ngày để tạo ra các hormone tuyến giáp. Bổ sung Selenium giúp “kích hoạt” các hormone tuyến giáp để chúng có thể được cơ thể sử dụng. Kẽm có thể giúp cơ thể điều chỉnh TSH, hormone giúp thông báo cho tuyến giáp giải phóng các loại hormone khác của tuyến giáp.

Và đặc biệt: “Nên ăn nhiều trứng, thịt sữa và các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc hay các loại hạt không chứa gluten. Cũng như tránh các loại thực phẩm đóng hộp, các loại thực phẩm đã qua chế biến kỹ, tránh ăn hạt kê và đảm bảo việc bổ sung i-ốt ở mức vừa đủ”.  

An Nhiên
TIN LIÊN QUAN

Giao mùa và cảnh báo về gia tăng bệnh lý ở trẻ em

Hà Lê |

Vào thời điểm giao mùa, sự thay đổi thất thường lúc nắng, lúc mưa là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Giao mùa và cảnh báo về gia tăng bệnh lý ở trẻ em

Hà Lê |

Vào thời điểm giao mùa, sự thay đổi thất thường lúc nắng, lúc mưa là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển.