Tập 4 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng với chuyên gia tư vấn là Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM. Chương trình tuần này cung cấp kiến thức bổ ích giúp khán giả có cách thức phòng ngừa, điều trị và tạm biệt nỗi lo suy giãn tĩnh mạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Suy giãn tĩnh mạch ngoại vi làm van tĩnh mạch bị viêm nhiễm, tổn thương và không đóng kín, máu bị trào ngược từ trên xuống làm cho tĩnh mạch giãn to ra, lượng máu trở về tim không đủ. Dẫn đến rối loạn huyết động học, hình thành máu đông, viêm tắc tĩnh mạch nông, loét dinh dưỡng, loét da”.
Là bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi, suy giãn tĩnh mạch dễ gây đau đớn ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống. Suy giãn tĩnh mạch chân nặng thì sưng chân vào buổi chiều, đi lại khó khăn, buổi tối thì bị chuột rút, đau bàn chân. Thậm chí gây sốt, nhiễm trùng hay nhiễm trùng huyết. Tình trạng nặng có thể gây thiểu năng tuần hoàn phía dưới, da sạm màu, lở loét.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch: “Những người trên 50 tuổi thường dễ mắc phải. Ngoài ra người thừa cân béo phì, đứng hoặc ngồi quá nhiều, mặc quần áo chật hay thường xuyên mang giày cao gót rất dễ ảnh hưởng tĩnh mạch.
Đặc biệt, phụ nữ thường xuyên mắc phải là vì nội tiết tố estrogen tăng cao, nhất là khi đang mang thai hoặc dùng thuốc ngừa thai làm cho thành tĩnh mạch bị yếu giãn ra. Với nam giới thường xuyên hút thuốc lá, dùng thức uống có cồn hay ăn uống thiếu vitamin, chất chống oxy hóa càng dễ mắc phải bệnh lý này”.
Chuyên gia cho biết, muốn tránh dẫn đến các nguy cơ trên cần: thay đổi lối sống và cách làm việc, hạn chế việc đứng hoặc ngồi quá lâu; thay đổi chế độ ăn dinh dưỡng cung cấp đầy đủ các loại rau, chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa; Tăng cường luyện tập thể dục, nên đi bộ hoặc bơi lội nhiều hơn.
Đồng thời nên: “Thường xuyên sử dụng tất y khoa giúp ép thành mạch lại ngăn máu trào ngược hoặc dùng thuốc làm tăng sức bền thành mạch và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc chích xơ hoặc can thiệp bằng phẫu thuật. Đối với trường hợp tĩnh mạch giãn vừa phải có thể sử dụng một số loại gel bôi lên tĩnh mạch”.