Đối thoại về thời gian, một triển lãm không hề thông thường

Mai Hương (Thực hiện) |

Triển lãm "Đối thoại về thời gian" giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được thực hiện bởi Giám tuyển Nguyễn Như Huy sẽ diễn ra tại Đà Lạt trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024 từ ngày 10-17.3.

Báo Lao Động đã có buổi phỏng vấn với Giám tuyển Nguyễn Như Huy để hiểu thêm về triển lãm này.

- Xin chào Giám tuyển Nguyễn Như Huy! Đây là lần đầu tiên các tác phẩm của danh họa Đông Dương Nguyễn Tư Nghiêm triển lãm tại Đà Lạt, anh kỳ vọng điều gì ở triển lãm này?

- Kỳ vọng lớn nhất của tôi qua triển lãm này, đó là việc, chúng ta, những con người đang sống sẽ ngưng hay ít nhất là giảm dần việc xem các bậc thầy quá khứ như điều gì kín cổng cao tường theo kiểu đồ cổ chỉ có thể ngắm từ xa, bởi cách nhìn nhận này chỉ biến các bậc thầy thành các hàng hóa mà thôi.

Trái lại, họ làm nghệ thuật là bởi họ muốn đề nghị các suy tư lớn lao vì con người và về con người. Chính vì thế, trong các tác phẩm, và có lẽ trong chính cuộc đời các nghệ sĩ lớn luôn có yếu tố đương đại, hiểu theo nghĩa các yếu tố gắn chặt với mối quan tâm về nhân loại và không bao giờ lỗi thời.

Nguyễn Tư Nghiêm, hiểu theo cách này, luôn hiện hữu và suy tư cùng chúng ta, trong chính hiện tại của chúng ta. Và đây chính là kỳ vọng của tôi qua triển lãm này.

- Triển lãm "Đối thoại về thời gian" giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong tứ trụ của mỹ thuật Đông Dương, hẳn anh phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức?

- Đây là một dự án triển lãm không hề thông thường, bởi nó là một giao lộ của các sự kiện văn hóa đều rất lớn, bao quát kích cỡ của một thành phố. Một mặt, triển lãm là bộ phận của Lễ hội âm nhạc cổ điển 2024 tại Đà lạt, kéo dài một tuần với nhiều sự kiện khác nhau.

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được thực hiện bởi Giám tuyển Nguyễn Như Huy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được thực hiện bởi Giám tuyển Nguyễn Như Huy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Song mặt khác, bản thân triển lãm, như cái tên của nó "Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây" đã cho thấy mình chính là một giọng điệu độc lập, một kiện độc lập diễn ra như thể đối thoại với toàn bộ lễ hội. Chính tính chất lưỡng phân về ý niệm song lại đồng nhất về sự kiện với lễ hội chung đã khiến cho việc tổ chức và giám tuyển triển lãm này khá phức tạp.

- Ở góc độ khác, giám tuyển lại là một người lắng nghe, giúp nghệ sĩ gọi tên những băn khoăn, bối rối, những ngổn ngang trong quá trình sáng tác. Vậy theo anh, những băn khoăn, bối rối, những ngổn ngang của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là gì?

- Theo tôi, điểm quan trọng nhất khi tiếp cận với nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm chính là việc, ta phải nhìn xa hơn, hay thậm chí, phải vượt ra ngoài lãnh địa thẩm mỹ theo cách hiểu hiện đại.

Nếu chỉ dùng công cụ là môn nghệ thuật học để cắt nghĩa Nguyễn Tư Nghiêm, chúng ta sẽ hạn chế lại chính tầm vóc của ngài, một tầm vóc mà như nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân từng nhận định là "một mệnh đề độc lập".

Thái Bá Vân đã rất tinh khi thấy Nghiêm là một mệnh đề độc lập, tuy nhiên ông chưa làm rõ cái tính chất độc lập này. Lý do có lẽ là việc Thái Bá Vân vẫn đang nhìn nhận Nguyễn Tư Nghiêm trong vai trò một hoạ sĩ, tức vẫn đang cắt nghĩa Nguyễn Tư Nghiêm trong giàn khung của lý thuyết thẩm mỹ.

Một tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Cuộc đối thoại này sẽ mở ra những góc nhìn như thế nào cho khán giả, thưa anh?

- Ở đây, sự quân bằng được đạt tới bằng các chi tiết tinh vi nhất cả ở chiều sâu lẫn chiều rộng, dài và được thể hiện bằng một ngôn ngữ khách quan và logic đến mức với những ai hiểu ngôn ngữ ấy, thì tuyệt đối không thể có sự nhầm lẫn.

Trong khi đó, giấy dó, một thứ giấy làm từ cây dó, trồng ở Việt Nam có lịch sử ngược về tận thế kỷ 13 thì được sản xuất thủ công, nên không có tác động của hoá chất trong tờ giấy.

Hoạ sĩ buộc phải nhập một vào cùng chất liệu, phải sáng tạo ngẫu hứng ngay trong quá trình vẽ và quan trọng là phải nhất khí vì nếu vẽ sai, anh ta không thể sửa và làm lại. Nhạc cổ điển/giao hưởng và tranh màu nước/bột màu giấy dó, theo phân tích như trên, chính là hai khung hình đối lập để quan sát và cắt nghĩa thế giới.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mai Hương (Thực hiện)