Hành trình hàn gắn, xóa vết thương lòng từ chiến tranh

Mai Hương (Thực hiện) |

"Linh ảnh" là bộ phim về đề tài chiến tranh do Điện ảnh Quân đội Nhân dân phối hợp nhóm phục chế ảnh TeamLee thực hiện.

Bộ phim không đơn thuần chỉ là những bức ảnh được phục dựng lại đúng, đẹp mà nó còn là những bức ảnh mang giá trị thiêng liêng, mang tinh thần, ý chí của các liệt sĩ.

Để hiểu rõ hơn về thông điệp của bộ phim này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Quang Quyết - Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn bộ phim "Linh ảnh".

"Linh ảnh" là những câu chuyện xúc động về sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng Liệt sĩ cũng như thân nhân của họ. Xuất phát từ đâu, anh có ý tưởng thực hiện bộ phim này, thưa anh?

- Theo tôi, trong rất nhiều sự tri ân đối với những hy sinh mất mát của các gia đình liệt sĩ thì phục chế ảnh là một hành động hết sức thiết thực và có sức lay động lớn. Bởi rất nhiều gia đình đến nay vẫn không có được bức hình để thờ phụng cũng như nhắc nhở con cháu về cha ông mình.

Và việc phục chế lại chân dung các Anh hùng Liệt sĩ phần nào xoa dịu nỗi mất mát đau thương của các gia đình.

“Linh ảnh” là bộ phim về đề tài chiến tranh do Điện ảnh Quân đội Nhân dân phối hợp nhóm phục chế ảnh TeamLee thực hiện.
“Linh ảnh” là bộ phim về đề tài chiến tranh do Điện ảnh Quân đội Nhân dân phối hợp nhóm phục chế ảnh TeamLee thực hiện. Ảnh: Mai Anh

Việc làm đạo diễn cho chính kịch bản mình viết đã đem tới cho anh nhiều thuận lợi và khó khăn như thế nào?

- Khi vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn, tôi gặp cả thuận lợi và khó khăn. Nhìn chung là gặp nhiều thuận lợi: tôi hiểu kịch bản, nhân vật, nội dung cũng như những ý đồ mà mình muốn thực hiện.

Tuy nhiên, việc đạo diễn tự viết kịch bản thì khi thi công phim cũng dễ dẫn đến tính chủ quan cá nhân được đẩy quá mức. Nếu là một đạo diễn khác thực hiện kịch bản, chắc họ sẽ có góc nhìn khác, khách quan hơn. Do vậy tôi phải trao đổi và lắng nghe ý kiến của ekip, của Biên tập và Hội đồng nghệ thuật để chỉnh sửa sao cho hợp lí nhất.

Trong quá trình thực hiện phim "Linh ảnh" cùng nhóm TeamLee, có câu chuyện nào của nhóm khiến anh xúc động?

- Có rất nhiều câu chuyện xúc động mà TeamLee thực hiện trong suốt hành trình phục dựng và trao ảnh, mỗi một bức ảnh là một câu chuyện, một trang sử của Liệt sĩ và thân nhân của họ. TeamLee ưu tiên làm ảnh cho các Liệt sĩ mà còn cha mẹ già. Bởi thời gian ngày một trôi đi, sức khỏe của các mẹ ngày một già đi.

Có được bức ảnh Liệt sĩ khi mẹ còn sống là niềm an ủi vô cùng lớn. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi có cơ duyên biết đến nhau và hoàn thành sớm bộ phim này.

Thiếu tá Nguyễn Quang Quyết - Biên kịch, đạo diễn phim tài liệu “Linh ảnh”. Ảnh: Mai Anh
Thiếu tá Nguyễn Quang Quyết - Biên kịch, đạo diễn phim tài liệu “Linh ảnh”. Ảnh: Mai Anh

Bộ phim sử dụng nhiều lời đồng bộ, phỏng vấn nhân vật, anh có thể chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình hoàn thiện kịch bản, ghi hình bộ phim "Linh ảnh"?

- Ngay từ đầu khi xây dựng kịch bản, tôi đã xác định làm bộ phim dùng nhiều lời đồng bộ (lời tự sự của nhân vật) làm mạch dẫn cho phim nên việc đặt câu hỏi, tạo cảm xúc cho nhân vật cũng cần tính trước. Khi ra hiện trường quay việc trao đổi với ekip đặc biệt là Kỹ sư âm thanh được bàn tính cụ thể, chi tiết như: yếu tố thời gian, không gian.

Để đảm bảo chất lượng thu âm tốt nhất. Xác định đa số đồng bộ của nhân vật sẽ là mạch cảm xúc do vậy việc đưa đẩy và bắt trúng cảm xúc cũng được ekip rất chủ động trong quá trình ghi hình.

Đây là bộ phim mà chúng tôi dùng cơ bản là thiết bị quay nhỏ gọn, cơ động. Các nhân vật không bị ảnh hưởng, chi phối về thiết bị nên không bị đứt mạch cảm xúc.

Thông điệp mà đoàn làm phim muốn gửi gắm đến bộ đội và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ là gì, thưa anh?

- Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau còn dai dẳng ở lại, việc hàn gắn vết thương của chiến tranh không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay tổ chức nào, nó là trách nhiệm của toàn xã hội.

Hành động của TeamLee – Các chàng trai của thế hệ ZenZ là minh chứng khẳng định: giới trẻ không thờ ơ trước những hy sinh mất mát của cha ông. Các bạn nên lựa chọn hành động như thế nào để sự tri ân đó đúng nghĩa và có sức lan tỏa tốt nhất với cộng đồng.

Trao di ảnh cho gia đình Liệt sĩ Phạm Văn Thông. Ảnh: Mai Anh
Trao di ảnh cho gia đình Liệt sĩ Phạm Văn Thông. Ảnh: Mai Anh

Theo anh, điều gì tạo nên sức hút từ các bộ phim này đối với khán giả trẻ?

- Tôi thấy may mắn khi một số phim mình làm về đề tài người lính cả trong chiến tranh và thời bình được sự quan tâm của khán giả. Nhất là các bạn trẻ, thông qua mỗi tác phẩm tôi cũng như ekip sẽ rút ra được nhiều bài học cũng như kinh nghiệm cho tôi để có thể làm những tác phẩm sau tốt hơn, chiếm được tình cảm của khán giả nhiều hơn.

Chính những góp ý, chia sẻ cũng như lời động viên của khán giả sẽ là nguồn động lực để cho tôi cũng như ekip hoàn thiện mình hơn trong từng tác phẩm.

Đề tài về người lính, về chiến tranh, Cách mạng luôn là một kho tàng mà chúng ta cứ khai thác vấn đề này sẽ phát hiện ra vấn đề khác. Thậm chí cùng một nội dung nhưng dưới lăng kính khác thì sẽ cho ta cách tiếp cận mới hơn.

Chúng ta còn nợ lịch sử rất nhiều, do đó phải đào sâu, phải tìm tòi chính trong những kho tàng ấy. Đó chính là mảnh đất cho những nhà làm phim yêu thích đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng khám phá và gặt hái thành công. Tôi tin chắc như vậy!

Xin cảm ơn anh!

Mai Hương (Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhịp sống 24h: Phát hiện quả bom 350kg còn sót lại sau chiến tranh ở TPHCM

HẠ MÂY |

Nhịp sống 24h: Phát hiện quả bom 350kg còn sót lại sau chiến tranh ở TPHCM; Xóm chài trên sông Lô với nỗi lo mùa nước lũ...

Nhịp sống 24h: Phát hiện quả bom 350kg còn sót lại sau chiến tranh ở TPHCM

HẠ MÂY |

Nhịp sống 24h: Phát hiện quả bom 350kg còn sót lại sau chiến tranh ở TPHCM; Xóm chài trên sông Lô với nỗi lo mùa nước lũ...