Thách thức cho thể thao Việt Nam sau SEA Games 32

Thanh Vũ |

Dù dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 32 nhưng thể thao Việt Nam vẫn còn đứng trước khá nhiều thử thách trong tương lai.

Việc giành đến 136 huy chương vàng ở SEA Games 32 đã giúp đoàn thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu giành 89 đến 120 huy chương vàng được đặt ra từ đầu. Tuy nhiên, ở môn bóng đá, U22 Việt Nam không bảo vệ thành công tấm huy chương vàng.

Đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ giành được 48 huy chương vàng ở các nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic 2024, đạt tỉ lệ 35,29%. Các vận động viên Việt Nam đã xác lập 16 kỉ lục tại SEA Games 32, nhưng trong đó có đến 10 kỉ lục ở môn lặn, môn chưa nằm trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic.

Tại ASIAD 19 vào tháng 9 tới, các thành viên đoàn thể thao Việt Nam còn phải tính toán khả năng giành suất dự Olympic 2024. Việc thực hiện "mục tiêu kép" ở một kì đại hội là điều không dễ dàng.

Có nhiều yếu tố khiến thể thao Việt Nam cũng như thể thao trong khu vực Đông Nam Á chưa thể phát triển, trong đó có thể kể đến như phương thức tổ chức, nhiều vận động viên bị động khi bị đổi lịch thi đấu. Đây là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục ở các kì đại hội thể thao trong khu vực.

Thực tế này khiến việc đánh giá thành tích của các vận động viên là chưa thật chuẩn xác. Đó cũng là yếu tố khiến cho trình độ thể thao khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng chưa thể bứt xa.

Sau SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam sẽ hướng đến những đấu trường đẳng cấp hơn như ASIAD 19 hay hướng đến những tấm vé dự Olympic 2024.

Dù đứng đầu ở SEA Games 32, nhưng với những thống kê kể trên, cộng thêm thành tích khiêm tốn ở đấu trường châu lục thì nhiệm vụ giành huy chương ở Olympic 2024 của các vận động viên Việt Nam gần như là bất khả thi.

Thanh Vũ