Cầu Sông Bé được người Pháp xây dựng năm 1925. Suốt những năm tháng trước 1975, cầu sông Bé án ngữ con đường quân sự huyết mạch từ tỉnh Phước Long (cũ), thị trấn Đồng Xoài (nay là tỉnh Bình Phước) về Sài Gòn. Nơi đây, thường xảy ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội với quân đội Sài Gòn.

Năm 1975, nhằm chặn đường tiến quân của lực lượng giải phóng, phía quân đội Sài Gòn đã đánh sập nhịp giữa của cầu Sông Bé. Từ đó, khu vực cầu Sông Bé có thêm một “đặc sản” là cầu... gãy nhịp.
Kể từ năm 1995, cầu Sông Bé không còn sử dụng, được công nhận là di tích lịch sử. Việc cây cầu bị sập nhịp giữa, trơ lại 2 bờ con sông là 2 mố cầu lại trở thành cây cầu... độc nhất vô nhị - cầu gãy nhịp.

Anh N.V.T có gia đình ở tỉnh Phước Thành (cũ) trên 50 năm, cho biết: “Cách đây khoảng 15 năm, từng có người thất tình, chán đời, ra treo cổ dưới mố cầu. Rồi kẻ nhảy cầu tự tử cũng có...”.
Cách đây vài tháng, một nhóm thanh niên địa phương mang bia, mồi ra nhậu bên mố cầu. Nhậu đã đời, thanh niên tên T.H.P nhận lời thách đấu, nhảy từ mố cầu xuống sông... Do nhảy từ độ cao khoảng 40m xuống nước, sức ép đã khiến nội tạng P bị đa chấn thương, gây tử vong.

Theo anh T, cây cầu gãy nhịp rất độc đáo, rất đẹp, khi nhìn xa từ cầu Phước Hoà. Hai bên bờ Sông Bé có cảnh trí xanh mát, rất trữ tình...
Đặc biệt, năm 2014, bộ phim Tài Em và trước đó là phim Đẻ Mướn, đã lấy khung cảnh gãy nhịp của cầu Sông Bé làm cảnh quay. Sau đó, cầu Sông Bé trở nên “nổi tiếng”, được nhiều người biết đến, ghé lại chụp hình, tự sướng...
Với không ít nam thanh nữ tú yêu thích trở thành phượt thủ, thì khi ngang qua cung đường ĐT 741 ngược lên Bình Phước; cây cầu Sông Bé gãy nhịp là địa chỉ không thể thiếu trong lịch trình ghé thăm.v.v...

Tuy nhiên, theo rất nhiều người dân địa phương sống ở 2 bờ Sông Bé, phải hết sức cảnh giác, cẩn trọng khi mạo hiểm ra nơi mố cầu gãy...
Trên đường về nhà ở Bình Phước, có mặt tại cây cầu gãy nhịp này. Vâng, cảnh vật thật đẹp, thật trữ tình, nhưng tôi vẫn cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng, nơi cây cầu gãy nhịp có một không hai này.