Chip bán dẫn là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có
Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn diễn ra vào hôm nay (24.4), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành này.
Bộ trưởng cho biết Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được xây dựng vào thời điểm này là hết sức ý nghĩa và kịp thời, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Trong thời gian xây dựng Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ và các cơ quan liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Tổ chức nghiên cứu hết sức khoa học, bài bản, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và cung cầu nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn thế giới. Tổ chức khảo sát hơn 100 viện, trường, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Lấy ý kiến hàng trăm lượt chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia người Việt Nam đang công tác trong ngành bán dẫn trên thế giới và các cơ quan liên quan thông qua phỏng vấn trực tiếp, thảo luận nhóm.
Đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là yếu tố quan trọng
Để thực hiện được mục tiêu của Đề án và có cơ sở xây dựng hệ thống các giải pháp, nhiệm vụ toàn diện, khả thi để triển khai Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
Cũng theo Bộ trưởng, đào tạo phải dựa trên việc hợp tác 3 bên Nhà nước - Viện nghiên cứu, trường đại học - Doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Gắn việc học đi đôi với thực hành và đảm bảo đầu ra cho các học viên có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt; viện -trường đóng vai trò trung tâm của quá trình đào tạo; doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ trong quá trình xây dựng giáo án, đào tạo, bố trí thực tập và đảm bảo đầu ra.