Theo đó, từ gần 400 bài dự thi, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra 6 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng, 1 giải Ba trị giá 15 triệu đồng và 2 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 7 triệu đồng.

Tác phẩm xuất sắc đạt giải nhất của cuộc thi mang tên "Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc" của tác giả Trần Thị Rồng (tác giả năm nay đã 96 tuổi).
Bà Rồng chia sẻ: "Dưới sự khích lệ của các con, tôi chỉ nghĩ mình viết bài để vui tuổi già, chứ không nghĩ sẽ thi thố với lớp trẻ. Tôi viết lại những gương sáng của thầy cô để thế hệ sau noi theo.
Tôi xin chân thành cảm ơn ban tổ chức đã tạo ra sân chơi lành mạnh, hữu ích cho xã hội, ban biên tập đã chịu cực chịu khó đọc bài của tôi để đưa lên báo".

Giải nhì: Tác phẩm "Lặng thầm ngăn dòng nước mắt" của tác phẩm Trương Quang Hiệp
Hai giải ba: Tác phẩm "Bà "loong toong" đáng kính" của tác giả Trần Vũ Nguyên và tác phẩm "Nhân hậu với người, bình thản với đời" của tác giả Nguyễn Thị Vũ Hoài.

Hai giải Khuyến khích: Tác phẩm "Thầy Vân trong trái tim tôi" của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn và tác phẩm "Miệt mài làm "người đưa đò"" của tác giả Trần Hữu Phước
Cũng nhân dịp này, ban tổ chức đã tổ chức toạ đàm với nội dung “Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo”, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý giáo dục, nhà giáo, nhà nghiên cứu…
Sự kiện nhằm nâng cao vị thế thầy, cô trong xã hội hiện nay cũng như nhắc nhớ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Tô Đình Tuân - Ban tổ chức, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ: “Ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những vấn đề nan giải riêng, giáo dục – đào tạo cũng vậy.
Và chính vì thế mới thôi thúc chúng ta cùng đồng hành cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, giáo dục – đào tạo ngày càng phát triển hơn, mối quan hệ nhà trường – gia đình cũng như tình thầy trò càng ngày càng khăng khít, chân thành hơn.
Đặc biệt, vai trò và vị thế người thầy được tái khẳng định, củng cố vững chắc hơn”.