Dung dịch này ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, còn giảm lượng lớn hóa chất, rác hữu cơ thải ra môi trường. Đặc biệt, các bạn sinh viên lan tỏa sản phẩm này bằng cách hướng dẫn người dân cách làm tại nhà.
Sinh viên Trần Thị Quỳnh Như, khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, hiện nay, các hộ dân đa số dùng hóa chất trong trong sinh hoạt hằng ngày như lau dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt áo quần, mà các loại hóa chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất.
"Với mong muốn chế tạo ra dung dịch tẩy rửa từ rác hữu cơ, vào tháng 4.2024, em và Nguyễn Thị Thảo, Lê Võ Như Thùy, Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Thành Toàn đã lên ý tưởng thực hiện dự án Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật" - Quỳnh Như chia sẻ.
Sinh viên Nguyễn Thị Thảo cho biết, sản phẩm có thể làm sạch các chất béo, chất bẩn bám trên các đồ dùng bằng sứ, bằng thủy tinh, trên đồ dùng nhựa, gạch men, các chất cặn bẩn lâu ngày trên ống thoát nước... Do đó có thể sử dụng để rửa chén bát, lau nhà, làm sạch thiết bị vệ sinh, thông cống.
Ngoài ra sản phẩm còn có khả năng cải tạo đất trồng, xua đuổi côn trùng nên đáp ứng được nhu cầu cần thiết hằng ngày của các hộ dân và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cũng như bảo vệ môi trường.
Nhận xét về hoạt động nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên, chị Nguyễn Thị Kim Ánh - Phó Bí thư Đoàn Đại học Đà Nẵng cho hay, bước đầu sản phẩm này của các bạn sinh viên trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm lượng lớn hóa chất, rác hữu cơ thải ra môi trường.
Điều này thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo và trách nhiệm của các bạn sinh viên trong việc chung tay vì cộng đồng.
Đặc biệt, dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật” đã đạt giải Ba cuộc thi "Dự án khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn" của Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức và xuất sắc lọt vào vòng Bán kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024" do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức.