Học sinh FPT vẽ bản đồ Việt Nam khổng lồ dịp Quốc khánh 2.9

Mai Hương |

Học sinh trường TH & THCS FPT Đà Nẵng đã “vẽ” tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ chào mừng ngày Quốc khánh 2.9 từ hàng trăm chiếc nón lá.

Theo thầy Cao Văn Thế - Tổ trưởng Tổ Xã hội Trường TH & THCS FPT Đà Nẵng, thấu hiểu tâm lí học sinh thường "sợ" các môn xã hội vì cảm giác dễ chán và buồn ngủ, Nhà trường mong muốn mang đến những dự án học tập mà ở đó các em vừa học vừa chơi, vừa được trải nghiệm những xu hướng mới của giới trẻ.

Điều này không chỉ giúp học sinh chủ động học hỏi mà còn tạo động lực để các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hứng thú. Với mục tiêu này, Trường TH & THCS FPT Đà Nẵng đã triển khai dự án liên môn Lịch sử - Địa lí - Giáo dục Công dân mang tên "Một Vòng Việt Nam" với hình thức dạy học đổi mới.

dd
Dự án "Một vòng Việt Nam" tại Trường TH & THCS FPT Đà Nẵng được triển khai cho hơn 1300 học sinh THCS. Ảnh: Trường TH & THCS FPT Đà Nẵng

Sau đó, sử dụng sản phẩm của dự án liên môn Lịch sử - Địa lí - GDCD, các bạn học sinh trường TH & THCS FPT Đà Nẵng đã vẽ tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ chào mừng ngày Quốc khánh 2.9 từ hàng trăm chiếc nón lá.

Hoạt động mừng ngày Quốc khánh 2.9 của các bạn học sinh trường TH & THCS FPT Đà Nẵng đã gây ấn tượng khi trổ tài thiết kế nón lá và xếp hình bản đồ Việt Nam trên nền gạch đỏ.

Dự án "Một vòng Việt Nam" tại Trường TH & THCS FPT Đà Nẵng được triển khai cho hơn 1300 học sinh THCS với sự phân chia theo từng khối lớp. Học sinh khối 6 khám phá văn hóa, ẩm thực, trang phục miền Bắc; khối 7 tìm hiểu về miền Trung; khối 8 tập trung vào miền Nam; và khối 9 nghiên cứu về biển đảo Việt Nam.

dd
Các bạn học sinh thể hiện lại những gì đã học qua việc trang trí nón lá. Ảnh: Trường TH & THCS FPT Đà Nẵng

Mỗi khối lớp không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu thông tin mà còn thể hiện lại những gì đã học qua việc trang trí nón lá. Điểm đặc biệt của dự án này là format báo cáo mới lạ: Fashion Show kết hợp thuyết trình. Những sản phẩm xuất sắc nhất sẽ được chọn tham gia vòng thi cấp khối.

Dịp Quốc Khánh 2.9, những hoạt động như thế này trở nên càng ý nghĩa hơn, giúp các em không chỉ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước mà còn nuôi dưỡng trong mình tình yêu và lòng tự hào dân tộc.

Thầy Trịnh Quang Thạch - Nhóm trưởng nhóm Lịch sử và Địa lí cho biết: "Nón lá là biểu tượng văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam. Hình ảnh nón lá cùng với tà áo dài duyên dáng người phụ nữ Việt đã trở thành biểu tượng đặc trưng không một đất nước nào khác có được.

Việc chọn nón lá làm dự án không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị văn hóa mà còn là cách để các em thể hiện lòng tự hào dân tộc".

Sau khi dự án kết thúc, đã có gần 200 tác phẩm nón lá được tạo ra, mỗi chiếc mang một phong cách và ý nghĩa riêng biệt. Những danh lam thắng cảnh, những món ăn nổi tiếng từ Bắc chí Nam hiện lên một cách sinh động và đầy màu sắc qua từng nét vẽ, từng chi tiết trang trí.

Mai Hương