Những câu chuyện ấn tượng trong kỳ “vượt vũ môn” 2018

Cường Ngô |

Sống ở trung tâm mồ côi từ bé với dị tật đôi chân, Thu Thủy luôn lạc quan và nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy học sinh khuyết tật. Đó là một trong những câu chuyện ấn tượng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

“Cuộc sống vốn không màu hồng, em tô hồng nó mỗi ngày”

Thông tin Báo Lao Động có được, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại TPHCM có 5 thí sinh đặc biệt được bố trí phòng thi riêng. Trong đó, có 3 thí sinh bị tai nạn giao thông, không thể ghi chép được và 2 thí sinh khuyết tật đặc biệt.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM cho biết, hầu hết những thí sinh này đều được đặc cách xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cả 5 thí sinh này vẫn xin được dự thi để dùng kết quả xét tuyển vào đại học. Những thí sinh này được bố trí phòng thi riêng, được hỗ trợ máy ghi âm, ghi hình.

Tại điểm thi THCS Colette (phường 6, quận 3), ai cũng nể phục cô gái bị dị tật bẩm sinh, đôi chân co quắp từ đầu gối trở xuống nhưng vẫn có mặt đủ trong các buổi thi. Đó là thí sinh Phạm Thị Thu Thủy. Trong 3 ngày thi, em được anh trai đưa đến điểm thi bằng xe máy.

Thủy chia sẻ, năm nay em đăng ký vào ngành giáo dục đặc biệt (ĐH Sư phạm TPHCM), mong muốn trở thành cô giáo dạy cho trẻ khiếm thính và câm điếc. Chính vì vậy, với môn ngữ văn (một trong những môn xét tuyển ĐH), Thủy quyết tâm giành điểm cao. “Em đã ôn luyện rất kỹ lưỡng môn ngữ văn, đây cũng là môn thế mạnh của em. Em hi vọng được 8 điểm ở môn này, để hiện thực hóa giấc mơ trở thành giáo viên dạy cho trẻ đặc biệt”, Thủy nói.

Được biết, từ nhỏ, Thủy đã ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Khi học tiểu học, em học cùng trường với học sinh bình thường rồi được chuyển vào Trung tâm Giáo dục khuyết tật Võ Thị Sáu (phường 7, quận 3) theo bậc THCS đến nay. Thủy nói, 12 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Cách đây ít bữa – ngày bế giảng năm học, em cũng vinh dự được đại diện cho bạn bè đọc bài phát biểu của học sinh lớp 12 trước toàn trường.

Thủy cho biết, đôi khi em bị bạn bè trêu chọc vì khuyết tật của mình song nữ sinh này không bao giờ buồn vì chuyện đó, mà biến nó thành động lực để vươn lên. “Bí quyết của em là luôn nghĩ về những điều tích cực, luôn cười và tự tin. Cuộc sống vốn dĩ không màu hồng nên em cần tô hồng nó mỗi ngày”, Thủy nói rồi nở nụ cười đầy lạc quan.

Ngoài thí sinh đặc biệt này, tại điểm thi THCS Độc Lập (quận Tân Phú, TPHCM) có một thí sinh đặc biệt được sinh viên tình nguyện cõng lên tận phòng thi. Đó là Y Nam, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú. Y Nam cho biết, em bị bệnh viêm tủy ở xương suốt 4 năm nay. Khi đi học ở trường, nhiều năm liền em đều được mọi người cõng đến lớp học. Lần này đi thi, em được sinh viên tình nguyện hỗ trợ đưa đến tận phòng thi.

Thí sinh 18 lần thi đại học vì trân trọng lời hứa với bạn gái cũ

Cũng tại điểm trường Colette, một sĩ tử khác gây ấn tượng không kém là Trần Xuân Trường. Theo đó, sáng 25.6, anh Trần Xuân Trường (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đến hội đồng thi THCS Colette dự thi môn ngữ văn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Đây là năm thứ 18 chàng trai này thi tuyển vào đại học.

Mặc dù anh Trường đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cách đây 7 năm và hiện cùng bạn góp vốn kinh doanh, song anh vẫn miệt mài thi tuyển vào đại học. Năm nay, anh đăng ký thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Chia sẻ với Lao Động, anh Trường cho biết, quê gốc của anh ở Bắc Ninh, nam tiến từ năm 2001. Mỗi lần anh đăng ký dự thi đại học, gia đình đều lo lắng, bởi, không muốn anh “ôm rơm nặng bụng”. Mỗi lần như vậy, anh lại giấu gia đình để đi thi. Nhiều năm nay, anh đậu đại học nhưng không nhập học vì lý do riêng.

“Lý do riêng” của anh xuất phát từ lời hứa với bạn gái cách đây 15 năm. Anh nói với bạn gái “sẽ lập kỷ lục Guiness là thí sinh thi đại học nhiều nhất Việt Nam”. Ban đầu chỉ là lời bông đùa, song, nghĩ lại, anh thấy cần phải tôn trọng lời hứa với bạn gái, nên đã quyết định năm nào cũng khăn gói thi đại học.

17 năm qua, Trường không nhớ nổi bản thân đã thi và đậu những trường đại học nào, tốn kém bao nhiêu chi phí khi phải làm hồ sơ dự thi từ tỉnh lẻ lên thành phố. Anh nói, dù đỗ đại học cũng không học bởi mục đích của anh không phải “mài đũng quần” trên giảng đường đại học.

Cũng theo anh Trường, anh thi đại học nốt năm nay rồi nghỉ. Tuy không lập được kỷ lục Guiness là thí sinh thi đại học nhiều nhất Việt Nam nhưng anh đã hoàn thành lời hứa với bạn gái cũ của mình. Đó là điều anh trân trọng!

Cán bộ làm bài thi hộ cho thí sinh bị tai nạn giao thông ở Cần Thơ

Trong ngày đầu kì thi THPT Quốc gia năm 2018, tại điểm thi trường THPT Thuận Hưng có một trường hợp thí sinh bị tai nạn giao thông nên không thể tự làm bài.

Do đó, hội đồng coi thi quyết định bố trí một phòng thi riêng, đồng thời cử một cán bộ không có chuyên môn về ngữ văn làm bài thi giúp cho thí sinh này, dưới hình thức thí sinh đọc như thế nào thì cán bộ này sẽ viết lại như vậy. Bên cạnh đó, 2 cán bộ coi thi bên trong và ngoài phòng thi cùng với thiết bị ghi âm được bố trí, nhằm đảm bảo không xảy ra tiêu cực trong thi cử.

Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ, việc hỗ trợ này được thực hiện theo quy chế của Bộ GDĐT. Bài thi của thí sinh sẽ được đối chiếu lại với băng ghi âm đã bố trí trong phòng thi.

Năm nay Cần Thơ có 13.068 thí sinh đăng ký dự thi, với 27 điểm thi, 565 phòng thi. Hiện tại, đây là trường hợp thí sinh duy nhất của TP Cần Thơ được hỗ trợ đặc biệt trong kì thi này.

Ở An Giang, thí sinh Phạm Quốc Sơn (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang) không may gặp tai nạn bị đứt động mạch chủ ở tay phải nên em  được bố trí một phòng thi riêng, có 3 cán bộ coi thi, 1 cán bộ làm nhiệm vụ chép bài thi cho Sơn.

Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết, ngày 20.6, Sơn bị tai nạn, đứt động mạch chủ ở cẳng tay phải. Đến ngày 22.6, Sơn được xuất viện nhưng tay phải chưa viết được. Do đó, gia đình Sơn đã báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng và Sở GD&ĐT tỉnh. Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và được Bộ chấp thuận cho cán bộ chép hộ bài thi môn ngữ văn. 

Cường Ngô