“Nóng” nhân lực ngành bán lẻ

Bảo Chương |

Theo dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam do Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search (thuộc Navigos Group) công bố mới đây, từ tháng 3 năm nay, hàng loạt công ty trong lĩnh vực bán lẻ tại khu vực phía Nam đã đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng cho các vị trí cấp quản lý phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh hoặc cơ cấu lại bộ máy nội bộ.

Lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí với sự tham gia của các thương hiệu mới bên cạnh các chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương hiệu càng khiến cho ngành này phát triển sôi động và còn hứa hẹn rất nhiều tiềm năng lớn để phát triển. Tuy nhiên, ứng viên trong ngành bán lẻ ngày càng hạn hẹp do chất lượng không thực sự đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường. “Cơn khát” ứng viên trong ngành bán lẻ đang tăng cao và dự báo vẫn tiếp tục tăng trong quý II.

Trên thực tế, câu chuyện ngành bán lẻ “khát” nhân lực không phải điều gì mới mẻ. Nguyên nhân thì có nhiều, như: Các chuỗi bán lẻ liên tục mở rộng, phát triển điểm bán mới, thị trường có thêm nhiều DN mới gia nhập…, đã đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng lên.  Từ góc độ người lao động dễ thấy, người lao động không ưa thích việc bán hàng, coi đây chỉ là công việc tạm thời trong lúc chưa tìm được việc đúng theo ngành đã học; người ứng tuyển chưa đúng với nhu cầu bởi không có trường lớp đào tạo bài bản, chính quy…

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là ngành bán lẻ vẫn chưa được coi là ngành công nghiệp thực sự để tập trung phát triển. DN bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam với chiến lược nhân sự bài bản nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn là “nghề dạy nghề”. Những lao động học được nghề từ nhà bán lẻ có kỹ năng, trình độ khác nhau vì mức độ tiếp nhận không giống nhau và cũng không chắc chắn gắn bó lâu dài trong điều kiện luôn được đối thủ mời mọc, chiêu dụ.

Về phần các nhà bán lẻ trong nước, dù đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân sự nhưng thường là nhận vào làm mới bắt đầu đào tạo với quy trình khá phức tạp. Ngoài ra, các DN cũng đang tự giữ riêng cho mình bộ tiêu chí mà không chia sẻ với nhau, không có ý thức đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.

Bảo Chương