Việt Nam có triển vọng trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới
Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)...
Theo các chuyên gia, Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi có nguồn nhân lực phù hợp, với đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực về khoa học và toán học; các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh, các tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành.
Với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động… của ngành, đào tạo nhân lực ngành Vi mạch bán dẫn không chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản bậc đào tạo đại học, mà cần nhiều nỗ lực triển khai các trình độ cao hơn.
Triển vọng đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn với các đối tác Hoa Kỳ
Tháng 5 vừa qua, Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn (VASA) được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa (đại diện bởi Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn) và Thành phố Đà Nẵng (đại diện bởi Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI), theo hình thức đối tác công - tư.
Đồng thời, trường cũng ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Đại học Bang Arizona - trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới, để xây dựng các chương trình đào tạo, tận dụng các nguồn lực mà Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam để triển khai các chương trình đào tạo.
Theo đó, Trường Đại học Bang Arizona đồng ý hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn (thiết kế mạch tích hợp IC, ATP), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật năng lượng sạch. Đồng thời sẽ hợp tác với Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tổ chức các khóa đào tạo về bán dẫn cho giảng viên (thiết kết IC nâng cao, ATP), và thúc đẩy phối hợp đào tạo sau đại học.
Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác này, Ngài Marc Evans Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Phenikaa đã có những bước tiến trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, điển hình như Synopsys.
Những mô hình hợp tác và đối tác mang tính chiến lược này sẽ mở đường cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều này không chỉ giúp hai nước củng cố mối quan hệ kinh tế mà còn giúp đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo rằng Việt Nam là một trung tâm quan trọng về sản xuất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác. Đồng thời, đảm bảo rằng hai quốc gia đều hướng tới tương lai thịnh vượng, hòa bình và ổn định”.
Công ty Synopsys đã hợp tác và cung cấp cho Trường Đại học Phenikaa phần cứng là các thiết bị Zebu 5, Zebu 4, số 1 thế giới về ảo hóa chip trị giá 3 triệu USD trang bị cho Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn (PSTC), và toàn bộ phần mềm công cụ thiết kế chip. Trung tâm sử dụng giáo trình và tài liệu đào tạo Synopsys để đào tạo các “trainer”.
Với sự đầu tư nghiêm túc, bài bản cho đào tạo chuyên ngành vi mạch, mục tiêu của Tập đoàn Phenikaa và Trường Đại học Phenikaa không chỉ là tham gia giải bài toán thiếu nhân lực bán dẫn trong nước mà hướng tới chuẩn mực quốc tế, để các học viên sẵn sàng tham gia thị trường toàn cầu.
Trước đó, tại Hà Nội, Hà Nội, ngày 2.8, Trường Đại học Phenikaa chào đón Ngài Marc Evans Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc chính thức. Chuyến thăm của ngài Đại sứ Hoa Kỳ không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia mà còn là cơ hội để củng cố và mở rộng những nỗ lực chung trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.