Sinh viên thiết kế microsite phát triển du lịch sinh thái

ANH ĐỨC |

Bản đồ tích hợp, hình ảnh 360 độ, câu hỏi tương tác... là những điều đặc biệt mà du khách có thể khám phá ở microsite do nhóm sinh viên tại Hà Nội thiết kế.

Microsite được hiểu là một trang web nhỏ được tạo ra để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Microsite "Cúc Phương Trekking Tour" là sản phẩm do nhóm sinh viên thuộc dự án "Dấu chân Z sản" - đến từ Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện.

Đây là dự án truyền thông marketing, phối hợp cùng Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành nhằm nâng cao nhận thức của người trẻ về du lịch sinh thái bền vững, bảo tồn thiên nhiên.

Dự án cho chính các sinh viên lên ý tưởng, thiết kế và vận hành trong nhiều tháng.

Nhóm sinh viên lên ý tưởng và thiết kế microsite trong nhiều tháng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhóm sinh viên lên ý tưởng và thiết kế microsite trong nhiều tháng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo nhóm sinh viên, hiện nay, nhu cầu khám phá thiên nhiên và du lịch sinh thái ngày càng tăng cao, nhất là với người trẻ. Trong khi đó, các website hiện có đang gặp nhiều hạn chế như: cung cấp thông tin dàn trải; cách chuyển tải chưa sinh động, hấp dẫn; khó tiếp cận giới trẻ... Và microsite "Cúc Phương Trekking Tour" ra đời nhằm giải quyết thực trạng này.

"Microsite tập trung vào việc cung cấp thông tin chi tiết và cụ thể về các tour trekking. Với giao diện thân thiện và nội dung phong phú, em hi vọng "Cúc Phương Trekking Tour" không chỉ là một nền tảng thông tin mà còn là một cầu nối giúp chúng em chuyển tải thông điệp về du lịch xanh và bền vững” - Phạm Hà Phương, sinh viên Học viện Ngoại giao, đại diện nhóm sinh viên, chia sẻ.

Là người trực tiếp tham gia thiết kế, Trần Vi Hải Triều - sinh viên năm thứ ba Học viện Ngoại giao - cho hay, microsite được phát triển tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. So với các trang web hiện có, Hải Triều chỉ ra những điểm đặc biệt của microsite "Cúc Phương Trekking Tour".

Cúc Phương Map&Story là điểm nhấn đầu tiên. Tại đây, du khách được trải nghiệm bản đồ mang tính tương tác cao. Bản đồ không chỉ giúp du khách định vị các địa điểm nổi bật mà còn phân nhóm chúng thành các khu vực được biểu thị bằng những vòng tròn trực quan. Mỗi vòng tròn bao quanh một nhóm địa điểm cụ thể, và khi du khách nhấp vào, họ sẽ được dẫn dắt vào một hành trình khám phá những câu chuyện thú vị xoay quanh từng địa danh.

Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng chính là phương châm mà nhóm sinh viên luôn bám sát khi thiết kế microsite. Ảnh chụp màn hình
Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng chính là phương châm mà nhóm sinh viên luôn bám sát khi thiết kế microsite. Ảnh chụp màn hình

Cùng với đó, hiểu được tâm lý du khách, mục Trekking Tour của microsite sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các tour, đặc biệt là tour trekking, cùng với các công cụ phân loại. Với mỗi tour cụ thể, người dùng sẽ được cung cấp chi tiết về mức độ phù hợp, các điểm nổi bật, lịch trình, dịch vụ đi kèm, đồ dùng cần mang theo, cũng như đánh giá về độ khó và giá thành.

Đặc biệt, microsite có các hình ảnh 360 độ, giúp du khách có trải nghiệm thực tế về không gian thiên nhiên, động thực vật qua màn ảnh nhỏ. Đồng thời, mục Cúc Phương Quiz gồm các câu hỏi trắc nghiệm về Vườn quốc gia cũng được thiết kế nhằm tạo ra sự tương tác giữa nền tảng và người dùng.

"Em hi vọng với những tính năng này, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, góp phần vào sự phát triển của du lịch sinh thái và nâng cao nhận thức của mọi người về bảo tồn thiên nhiên" - Hải Triều nói và bày tỏ mong muốn, có thể nhân rộng thiết kế trong tương lai.

ANH ĐỨC