10 điều cần lưu ý khi sử dụng bếp gas

T.S |

Để tích cực phòng ngừa cháy, nổ trong sử dụng gas hàng ngày, các chuyên gia về PCCC đưa ra 10 điều khuyến cáo để các gia đình, cơ quan đơn vị, nhất là các bếp ăn tập thể tại các công ty, doanh nghiệp lưu ý tuân theo.

Thứ nhất, khi mua sắm bếp, bình gas phải lưu ý đến chất lượng của thiết bị và các phụ kiện. Tốt nhất là chọn mua của các hãng có uy tín. Đặc biệt chú ý đến rơ le an toàn khi tắt lửa, rơ le an toàn khi quá nhiệt.

Thứ hai, khi đặt bếp phải chú ý đặt trên vật liệu không cháy như bệ đỡ bằng bê tông, gạch đá và phải cách tường ít nhất là 15cm. Lưu ý không để các vật sắc nhọn phía trên bếp. Lắp đặt thêm đầu báo rò rỉ gas để phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ gas sớm nhất. Không dán số điện thoại kêu gas trên bình gas để đề phòng sử dụng điện thoại cạnh bình gas.

Lưu ý thứ ba là trong quá trình sử dụng không che chắn bếp bằng vật liệu dễ cháy như miếng giấy carton, các loại xốp…

Thứ tư là vị trí đặt bếp tránh gió lùa trực tiếp dễ gây tắt lửa khi đang đun nấu.

Thứ năm, đặt bếp cao hơn bình gas, không để ống dẫn gas chạm vào bề mặt nóng của bếp.

Điều cần chú ý thứ sáu là bình gas đặt cố định tại vị trí dễ thao tác, thông thoáng, đặt bình thẳng đứng, không tồn trữ nhiều bình gas trong nhà hay tại tầng hầm.

Bảy là, không bố trí bàn thờ, bếp than, bếp củi, cầu dao điện… gần với khu vực đặt bếp, bình gas; không để các chất dễ cháy như cồn, xăng dầu, sơn… trong tủ, hộc bếp.

Tám là trước khi sử dụng bếp phải kiểm tra các bộ phận chia lửa đảm bảo ăn khớp đúng vị trí. Sau khi sử dụng phải nhớ khóa van dẫn gas từ bình lên bếp cũng như thường xuyên kiểm tra ống dẫn xem có bị chuột hay côn trùng cắn hay không.

Chín là nếu nhấn hoặc vặn nút đánh lửa nhiều lần mà không bật được lửa lên thì phải để hơi gas trên bếp khuếch tán hết mới tiếp tục nhấn hoặc vặn để đề phòng ngọn lửa bùng cháy lớn gây nguy hiểm cho bản thân.

Điều cần lưu ý thứ mười là khi vào bếp nếu ngửi thấy có mùi khí gas rò rỉ thì không nên bật hay tắt các thiết bị điện, bình tĩnh mở các cửa thông gió, khóa bình gas. Sau đó, đi ra xa khỏi khu vực có khí gas dùng điện thoại nhờ hỗ trợ của nhà cung cấp gas hoặc gọi vào số 114 để lực lượng cảnh sát PCCC đến hỗ trợ.

T.S