5 bước để đối mặt với lời chỉ trích nơi công sở

Anh Kiệt (Theo healhShots) |

Đón nhận những lời chỉ trích, phê bình là điều không phải ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, vẫn luôn có cách để đối mặt với nó để tạo thành động lực thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Một lời chỉ trích tiêu cực thường mơ hồ, chủ quan và tập trung vào công kích thiếu sót cá nhân mà không đưa ra lời khuyên để cải thiện. Mặt khác, những lời chỉ trích mang tính xây dựng sẽ cụ thể hơn và đi kèm với gợi ý thẳng thắn để cải thiện, phát huy những điểm mạnh của người lắng nghe.

Bạn có thể nhận những lời chỉ trích từ người quản lý hoặc nhà tuyển dụng của mình. Tuy nhiên, hãy cố gắng nhìn về mặt tích cực rằng chúng có thể giúp bạn cải thiện năng suất làm việc về lâu dài tốt hơn. Đồng thời, nó cũng khuyến khích bạn giao tiếp để phản hồi, khám phá ra những yếu điểm trong suy nghĩ và hành động, từ đó tạo điều kiện cho những thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. 

 
 Đón nhận những lời chỉ trích, phê bình là điều không phải ai cũng mong muốn. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Sau đây là một số mẹo để bạn ứng xử trước những lời chỉ trích mang tính xây dựng tại chốn công sở:

1. Lắng nghe tích cực

Hãy dành thời gian để chú ý đến người đưa ra phản hồi, tránh ngắt lời và yêu cầu họ làm rõ khi cần thiết. Tích cực lắng nghe chứng tỏ bạn đánh giá cao ý kiến đóng góp của họ và sẵn sàng hiểu quan điểm khác này.

2. Luôn cởi mở

Đây có thể là một nguồn để bạn học hỏi thêm kinh nghiệm và nắm bắt được cơ hội thay đổi theo hướng tích cực hơn. Cố gắng kiểm soát cái tôi của mình và tránh quá bảo thủ khi nhận được những lời chỉ trích đó. 

3. Suy ngẫm về những lời nói

Bạn nên dành thời gian để xem xét tính hợp lý và giá trị đằng sau lời chỉ trích. Đánh giá xem liệu nó có phù hợp với mục tiêu mình mong muốn hay không, có đúng lĩnh vực mình muốn cải thiện không và quan điểm của người nói có đủ bao quát, khách quan hay chưa... 

4. Hành động để thay đổi 

Sau những bước trên, bây giờ bạn cần xác định cách để cải thiện những điều chưa tốt mình vừa được góp ý. Lên một kế hoạch thay đổi sẽ giúp bạn tự chịu trách nghiệm với bản thân và theo dõi tiến độ hoàn thiện điểm khiếm khuyết. 

5. Đừng quên cảm ơn vì đã góp ý 

Bạn nên bày tỏ lòng biết ơn đối với người đưa ra lời chỉ trích mang tính xây dựng, bất kể có đồng ý với nó hay không. Một lời cảm ơn đơn giản có thể biến cuộc trò chuyện từ căng thẳng sang nhẹ nhàng hơn cũng như duy trì và phát huy các mối quan hệ một cách tích cực.

Anh Kiệt (Theo healhShots)