Ca chó, mèo cắn tăng đột biến, Quảng Bình nguy cơ thiếu vắc xin phòng dại

CÔNG SÁNG |

Từ sau Tết Nguyên đán, tại tỉnh Quảng Bình trường hợp người dân bị chó, mèo tăng đột biến, nguy cơ thiếu vắc xin phòng dại tại địa phương này đang hiện hữu.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023).

Cùng đó, 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8. Miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%).

Tại Quảng Bình, đã ghi nhận 1 ca tử vong cho bệnh dại. Số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc xin cũng tăng đột biến. Từ đây, nguy cơ thiếu vắc xin phòng dại tại địa phương này đang dần xuất hiện.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đỗ Quốc Tiệp nhận định, những năm trước, tình trạng các ca bệnh dại liên quan đến chó, mèo tập trung vào tháng 8-9, nhưng năm nay, sau Tết Nguyên đán, trường hợp người dân bị chó, mèo tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại tăng đột biến.

Cụ thể, ngay trong tháng 1 và 2 đầu năm, Quảng Bình có hơn 650 lượt bệnh nhân đến tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại.

Điều này khiến một số trung tâm y tế tuyến huyện có dấu hiệu cạn nguồn vắc xin phòng dại. Đơn cử, tại Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, từ giữa tháng 3 đã không còn vắc xin phòng dại tiêm cho người dân.

“Đơn vị vừa mua 1.000 lọ vắc xin nhưng trong 3 tháng đầu năm đã sử dụng gần hết. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đã mua thêm 100 lọ. Nhưng những lọ này chủ yếu ưu tiên để trả mũi và tiêm cho trẻ em và người già. Hiện chúng tôi đang chờ thông tư dự kiến được ban hành vào tháng 6 năm nay để tiến hành đấu thầu. Thời gian chờ đợi này nếu số lượng người cần tiêm vắc xin tăng, nguy cơ sẽ gặp khó khăn trong việc điều trị dự phòng bệnh dại” - ông Tiệp nói.

CÔNG SÁNG