Các chuyên gia mong sớm có tiêu chuẩn chất lượng cho sâm Lai Châu

THANH BÌNH |

Những năm gần đây cây sâm Lai Châu đã dần khẳng định thương hiệu ở thị trường sâm trong nước. Tuy nhiên loài dược liệu quý này vẫn chưa có vị trí tương xứng.

Cây sâm Lai Châu được trồng chủ yếu ở huyện Sìn Hồ vì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Từ xa xưa, cây sâm nơi đây vốn đã có sẵn trong tự nhiên và được người dân bản địa sử dụng làm thuốc với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ...

Những năm gần đây, một số nghiên cứu đã mô tả hình thái, phân tích di truyền và xác định sâm Lai Châu cùng loài với sâm Ngọc Linh và có một số thành phần hóa học cùng hàm lượng saponin tương đương với sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên hiện nay, sâm Lai Châu chủ yếu được người dân sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Do vậy việc phát triển công nghệ chế biến để tạo ra bước đột phá cho sâm Lai Châu và vấn đề hết sức quan trọng để phát huy giá trị loài thảo dược được coi là "quốc bảo" của Việt Nam này.

Mới đây, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc đã có cuộc hội thảo khoa học quan trọng với chủ đề “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm”.

Giáo sư Vũ Đức Lợi - Viện trưởng VKIST phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Bình
Giáo sư Vũ Đức Lợi - Viện trưởng VKIST phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Bình

Hội thảo được tổ chức tại Viện nghiên cứu Khoa học & công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về sâm và dược liệu của Việt Nam và Hàn Quốc...

Giáo sư Vũ Đức Lợi - Viện trưởng VKIST cho biết, hội thảo là dịp để thiết lập cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là tỉnh Lai Châu) trong việc nghiên cứu và phát triển cây sâm và các sản phẩm từ sâm. Trong đó việc học tập kinh nghiệm đi trước của Hàn Quốc - quốc gia có nhiều thương hiệu nổi tiếng về các sản phẩm từ sâm là điều rất quan trọng.

Còn Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam - cho rằng, thông qua hội thảo, Việt Nam sẽ sớm xây dựng và áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn chất lượng cho cây sâm Việt Nam (trong đó có sâm Lai Châu) để ai cũng được sử dụng các sản phẩm từ sâm chất lượng.

TS Phạm Hà Thanh Tùng trình bày tại hội thảo
Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam trình bày tại hội thảo. Ảnh: Thanh Bình

Được biết, ông Tùng là một trong những nhà khoa học hàng đầu về sâm, đặc biệt ông có nhiều nghiên cứu về sâm Lai Châu. Tại Viện nghiên cứu do ông đứng đầu cũng đang nghiên cứu đưa ra bộ tiêu chuẩn cơ sở về quy trình nuôi trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chuẩn 7 bước đối với cây sâm Lai Châu.

Quy trình này hiện đang được áp dụng và thử nghiệm tại vườn Sâm Lai Châu của Thái Minh tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Việc áp dụng quy trình này không chỉ giúp hàm lượng hoạt chất MR2 trong củ Sâm ở mức cao gấp 8-10 lần tiêu chuẩn dược điển Việt Nam.

Đến nay, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc phát triển một quy trình sơ chế đặc biệt không chỉ loại bỏ được phần lớn vị đắng mà còn giữ được các thành phần quý trong sâm Lai Châu như MR2.

Vườn Sâm Lai Châu có diện tích gần 2ha của Thái Minh Farm (Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh). Ảnh: Văn Thành Chương
Vườn Sâm Lai Châu có diện tích gần 2ha của Thái Minh Farm (Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh). Ảnh: Văn Thành Chương

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: “VKIST cần phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, bộ Nông NNPTNT xúc tiến triển khai sớm nhất việc đưa ra tiêu chuẩn. Việc xây dựng tiêu chuẩn cần chỉ định ai chịu trách nhiệm ở từng khâu”.

Được biết, đây là lần thứ 2 VKIST tổ chức hội thảo khoa học về sâm kể từ năm 2023. Sau hội thảo lần này, VKIST hy vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc tìm được những sự hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm trong tương lai.

THANH BÌNH