Chàng trai 8X ở Hà Tĩnh dựng nên thương hiệu mộc nổi tiếng

SỸ THÔNG |

Hà Tĩnh - Từng làm thợ sửa chữa ôtô ở thành phố lớn nhất Việt Nam, rồi sang Angola để xuất khẩu lao động nuôi mộng đổi đời; nhưng cuối cùng thành công đến với Nguyễn Phi Long (SN 1983), trú xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn là khi anh trở về quê hương để nối nghiệp nghề mộc truyền thống.

Về quê lập nghiệp

Làng nghề Xa Lang, thôn Tân Tiến, xã Tân Mỹ Hà vốn nổi tiếng với nghề mộc. Ngay từ nhỏ Long đã được những nghệ nhân tên tuổi ở làng là Nguyễn Đức (ông nội), Nguyễn Sơn (SN 1958, bố đẻ) truyền nghề.

Nhưng, sau khi tốt nghiệp THPT (2002), anh  không theo nghề mộc gia truyền mà theo học nghề sửa chữa ô tô rồi lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang đầu tư nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Ảnh: Sỹ Thông
Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang đầu tư nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Ảnh: Sỹ Thông

10 năm làm người thợ sửa ôtô ở thành phố lớn nhất nước, Long ngộ ra, nếu cứ làm  thợ thì cuối đời cũng chỉ ở nhà thuê. Năm 2013, nghe theo lời bạn bè, Long rời TP Hồ Chí Minh đi xuất khẩu lao động  sang Angola, nhưng sau thời gian ngắn anh lại quyết định trở về quê hương.

Năm 2014, dốc toàn bộ vốn liếng, mượn thêm người thân, bạn bè Long quyết định mở xưởng mộc - cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang ra đời từ đó trên chính ngôi làng truyền thống Xa Lang.

Bàn tay của một người thợ sau hơn 10 năm không cầm đục, cầm dùi nay không còn khéo léo như xưa. Với sự giúp đỡ của nghệ nhân Nguyễn Sơn (bố đẻ Long và cũng là số ít nghệ nhân ở làng này còn tiếp tục hành nghề) Long dần dần đã bắt được nhịp với cái nghề cha ông để lại.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang tập trung sửa chữa, làm mới nhà thờ và sản xuất bàn thờ các loại. Và đây cũng là những “món tủ” gia truyền của cả làng Xa Lang. Vào thời kỳ thịnh vượng, làng có gần 100 người tham gia làm nhà thờ, bàn thờ. Tuy nhiên, về sau bị mai một nhiều, nhiều nghệ nhân bỏ chuyển sang làm nghề khác.

Long chia sẻ: “Làm mộc cũng giống như sản xuất các sản phẩm khác, nguyên liệu đầu vào giữ vị trí rất quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, điều khác biệt so với sản xuất các vật dụng đồ gỗ khác, làm nhà thờ và bàn thờ chỉ sử dụng duy nhất gỗ mít.

Bởi, ngoài yếu tố phong thủy, gỗ mít là loại ít co ngót, cong vênh nên rất được ưa chuông. Gỗ có tuổi đời càng cao, chất lượng càng tốt”.

Với “nguyên lý” đó, ngoài thời gian ở xưởng Long còn bỏ thời gian đi sưu tầm những cây mít có tuổi đời 50-60 năm ở cac địa phương để hỏi mua. Nghe nơi đâu có cây mít đẹp, lâu năm thì Long đều có mặt để hỏi mua.

Cũng theo Long, nhà thờ, bàn thờ là nơi linh thiêng của cả dòng tộc, dòng họ và của một đại gia đình nên cần tránh những điều tối kỵ. Vì vậy, lựa chọn nguyên liệu để đóng bàn thờ, nhà thờ phải là loại gỗ tốt, gỗ sống, còn gỗ chết, giá rẻ như cho anh cũng từ chối vì điều đó chạm đến tâm linh, lương tâm của người thợ không được phép.

“Lợi nhuận không phải là tất cả, mà cốt lõi là niềm tin, là sự chia sẻ lẫn nhau”, Long cho hay.

Niềm tin tạo nên thương hiệu

 

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang nổi tiếng với các sản phẩm nhà thờ. Ảnh: Sỹ Thông
Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang nổi tiếng với các sản phẩm nhà thờ. Ảnh: Sỹ Thông

Chữ “Tín” tạo được niềm tin, cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang được khách hàng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều.

Để có mặt bằng mở rộng quy mô, Long quyết định chuyển cơ sở sản xuất từ làng Xa Lang (Tân Mỹ Hà) về quê vợ (chị Hà Thị Giang) ở thôn 3, xã Sơn Bình trên diện tích 2.000 m2 (cạnh quốc lộ 8B) để tiện sản xuất và giao dịch; đồng thời đầu tư thêm 3 tỉ đồng mua trang thiết bị máy móc, nguyên liệu dự trữ.

Đến nay, Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang đã làm mới được 10 nhà thờ bằng gỗ (diện tích từ 50 - 100 m2), chưa kể sửa chữa, nâng cấp hàng chục nhà thờ khác, đóng từ 600 - 700 bàn thờ các loại với giá thành dao động từ 15 - 30 triệu đồng.

Cở sở sản xuất đồ gỗ Long Giang còn tạo việc làm ổn định cho 12 - 14 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

“Sản phẩm của em ngoài thị trường Hà Tĩnh và Nghệ An thì còn rất nhiều khách ở Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh.”, Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Lợi - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang là một trong những mô hình sản xuất đồ gỗ quy mô lớn tại địa phương.

Với tay nghề khéo léo, sự tận tâm nên việc sản xuất, kinh doanh nên khách hàng đến với cơ sở này rất đông. Long còn sẵn sàng đào tạo nghề cho những thanh niên địa phương khi họ có nhu cầu”.

SỸ THÔNG