Có được chấm dứt HĐLĐ với người bị kết án tù?

Nam Dương |

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi về việc ký HĐLĐ; chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ bị kết án tù giam, quyền chăm sóc, nuôi con của cha mẹ… Báo Lao Động trích đăng câu hỏi chính và trả lời.

Cơ sở nhỏ có phải ký HĐLĐ?

Ban đọc có số điện thoại 0961881XXX gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Tôi là chủ một cơ sở chuyên may hàng gia công nhỏ. Cơ sở của tôi  có tuyển dụng vài lao động vào làm việc, tuy không ký HĐLĐ, nhưng có thoả thuận miệng với nhau về việc thời giờ làm việc, tiền lương, tiền làm ngoài giờ… Tuy nhiên, phía NLĐ thường xuyên vi phạm, những lúc cơ sở có nhiều hàng  họ lại lấy lý do này, lý do khác để nghỉ việc, khiến cho chúng tôi không kịp giao hàng cho đối tác. Tôi có thể khởi kiện họ không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, điều 3 BLLĐ 2012 quy định: NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Điều 16 BLLĐ 2012 quy định: 1. HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, NLĐ giữ 1 bản, NSDLĐ giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. 2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói. 

Khoản 1, điều 23 BLLĐ quy định: 1. HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên và địa chỉ NSDLĐ hoặc của người đại diện hợp pháp; b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của NLĐ; c) Công việc và địa điểm làm việc; d) Thời hạn của HĐLĐ;  đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; e) Chế độ nâng bậc, nâng lương; g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; h) Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ;  i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, bạn là NSDLĐ, giữa bạn và NLĐ có phát sinh quan hệ lao động. Về  nguyên tắc, khi NLĐ vi  phạm  những thoả thuận, bạn có thể khởi kiện yêu cầu NLĐ bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi bạn khởi kiện, bạn cần có những bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của mình, bạn nên ký HĐLĐ với tất cả NLĐ theo quy định đã trích dẫn trên, phòng khi có tranh chấp thì có cơ sở để bảo đảm quyền lợi của mình.

Được chấm dứt HĐLĐ với người bị kết án tù

Ban đọc có số điện thoại 0981892XXX gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Cơ quan tôi có trường hợp NLĐ có HĐLĐ 6 tháng. Mới  đây, người này đã bị toà án tuyên phạt án tù giam. Chúng tôi có được chấm dứt HĐLĐ với người này không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 36 BLLĐ 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt HĐLĐ như sau: 1. Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này. 2. Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ. 3. Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ. 4. NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này. 5. NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. 6. NLĐ chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết. 7. NSDLĐ là cá nhân chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động. 8. NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.  9. NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.10. NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, cơ quan bạn được chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đã bị  kết án tù giam theo quy định tại khoản 5, điều 36 BLLĐ.

Bà có được bắt cháu về nuôi khi cha chết?

Bạn đọc có email tuanvietxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Chị tôi đi làm công nhân ở trên TPHCM và có lấy một người nhưng không đăng ký kết hôn (do gia đình anh rể tôi ngăn cấm vì cho rằng  hai bên không môn đăng hộ  đối). Anh chị vẫn lấy nhau và có chung một con trai. Nay anh rể tôi chết, bà nội cháu đòi bắt cháu về nuôi, với lý do trước đây không công nhận chị tôi là con dâu, nên không cho cưới hỏi. Nay anh rể tôi đã chết thì phải trả lại cháu cho ông bà nội chăm sóc, vì đây là cháu đích tôn của gia đình nội. Gia đình tôi ở quê nên không hiểu biết pháp luật, rất bối rối. Bà nội cháu có được quyền làm vậy không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 15 Luật HN&GĐ 2014 quy định: Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Điều 69 Luật HN&GĐ 2014 quy định Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ: “2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự”. Khoản 1, điều 104 Luật HN&GĐ 2014 quy định: Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu: “Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”. Điều 105 Luật HN&GĐ 2014 quy định: Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Như vậy, nghĩa vụ và quyền nuôi cháu bé trước tiên thuộc về chị bạn. Bà nội cháu bé không có quyền bắt cháu bé về nuôi.  

Nam Dương