Chỉ mới hơn 15h, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh (42 tuổi, quê Đồng Tháp) đã về đến phòng trọ trên địa bàn TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Chị Hạnh cùng chồng làm nhân viên bếp ăn phục vụ cho công nhân tại một nhà máy sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nhiều tháng nay, công nhân nhà máy bị cắt giảm, giảm giờ làm nên chị Hạnh cùng chồng cũng không được tăng ca, mỗi ngày chị Hạnh làm từ 6h sáng đến 15h. Không được tăng ca thu nhập của cả hai vợ chồng chị một tháng chỉ được hơn 9 triệu đồng.

Ba năm rời quê lên TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, vợ chồng chị Hạnh chưa kịp hết khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì nay lại tiếp tục chồng chất khó khăn do công việc giảm sút. Số tiền làm được phải chắt bóp chi tiêu mới vừa đủ lo cho cuộc sống tại thành phố và đứa con đang tuổi ăn học.
Làm cùng công ty với vợ chồng chị Hạnh, ông Trần Văn Tài (55 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết, từ đầu năm 2023, ông cùng nhiều nhân viên bếp ăn không được tăng ca vì công nhân nhà máy bị giảm giờ làm. Có những ngày ông cùng những người khác phải nghỉ luân phiên do số lượng công nhân nhà máy giảm.
"Quy định công ty chúng tôi một người sẽ phục vụ cho 100 công nhân ăn. Nếu trước đây nhà máy có khoảng 3.500 công nhân thì bên bếp ăn sẽ có 35 người phục vụ. Còn bây giờ công nhân nhà máy giảm thì bên chúng tôi cũng phải giảm người theo, không bị cắt giảm nhưng chúng tôi phải nghỉ luân phiên và không tăng ca", ông Tài chia sẻ.

Theo ông Tài, người lao động đi làm chỉ trông chờ vào tiền lương cơ bản cộng với tiền tăng ca. Nhưng không tăng ca, người lao động chỉ được hưởng mức lương cơ bản thì đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Đối với những người có thâm niên cao, lương sẽ đủ xoay xở, nhưng với những người mới chắc chắn tiền lương cơ bản không đủ sống", ông Tài nói.
Không có đơn hàng sản xuất, không chỉ công nhân và bộ phận bếp ăn trong nhà máy bị ảnh hưởng mà ngay cả những người buôn bán, cho thuê trọ cũng bị ảnh hưởng theo.
Tìm đến phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức vào những ngày cuối tháng 4, chị Út, chủ tiệm tạp hóa chỉ biết lắc đầu thở dài khi nghe chúng tôi hỏi về việc buôn bán.
Chị Út có 3 căn phòng trọ cho công nhân thuê và 1 tiệm tạp hóa nhỏ. Từ khi công việc của công nhân bị ảnh hưởng, việc buôn bán của chị cũng bị giảm theo.
"Nếu như trước dịch sức mua của công nhân là 100% thì sau dịch sức mua giảm còn 70%, còn giờ chỉ còn 50%. Vì công nhân thất nghiệp, không có tiền nên cũng hạn chế mua sắm. Đứa con đòi mua bịch bánh hay cái kẹo cũng phải hạn chế để tiền chi tiêu cho thứ khác cần thiết hơn. Mình bán không được, hàng bị hết hạn sử dụng thì mình sẽ bị lỗ vốn", chị Út chia sẻ.
Ngoài việc mua bán bị giảm sút, 3 phòng trọ cho thuê của chị giờ chỉ cho thuê được 1 phòng, còn 2 phòng phải đóng cửa, bỏ trống vì công nhân thất nghiệp về quê.
Tình hình sản xuất khó khăn, không chỉ là cái khó của riêng doanh nghiệp mà đó cũng là cái khó của hàng chục nghìn công nhân, lao động trực tiếp sản xuất và ở những ngành nghề khác.