Cù Lao cuối nguồn Sông Hậu ứng phó đỉnh triều cường

PHƯƠNG ANH |

Sóc Trăng - Tính đến 17.10, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung chưa ghi nhận trường hợp tràn, vỡ bờ bao do triều cường gây ra.

Cù Lao Dung là huyện đảo của tỉnh Sóc Trăng nằm cuối nguồn sông Hậu đổ ra biển Đông. Huyện có tuyến đê điển dài 23 km, tuyến đê tả - hữu dài 81 km và trên 1.000 km bờ bao trong dân.

Nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều biển Đông với chế độ bán nhật triều, mặn vào trong nội đồng theo cửa Định An và cửa Trần Đề kết hợp với chế độ dòng chảy sông Hậu đặc biệt khi lũ tràn về kết hợp triều cường, mực nước dâng cao tràn vào nội đồng làm sạt lở bờ bao, công trình chống lũ lụt, phá hoại sản xuất mùa màng, cây ăn trái của người dân.

Trước đó vào các năm 2020, 2021, 2022, 2023 khi triều cường lên cao đã làm nhiều đoạn đê sông, đê bao tả - hữu, bờ bao, tuyến đường giao thông... trên địa bàn huyện bị tràn và vỡ đã làm ngập nhà dân, hoa màu, cây ăn trái, đất nuôi trồng thủy sản.

Rút kinh nghiệm của những năm trước, trước đợt triều cường năm nay, ngành chức năng của huyện đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền và đã đưa ra những cảnh báo về triều cường để giúp người dân có sự chủ động trong ứng phó.

Bà con chủ động gia cố bờ bao, bờ sông nhằm ứng phó triều cường. Ảnh: Phương Anh
Bà con chủ động gia cố bờ bao, bờ sông nhằm ứng phó triều cường. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung - thông tin, theo dự báo của cơ quan chuyên môn mùa triều cường năm nay dự báo mực nước dâng cao vượt báo động 3 rơi vào ngày 18 - 22.10. Qua công tác kiểm tra, khảo sát thực tế huyện có 11 điểm xung yếu. Đến nay có 10 điểm đã được thi công gia cố, khắc phục hoàn thành. Địa phương cũng bổ sung 26 công trình kiến nghị về Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ thực hiện với kinh phí khoảng 5 tỉ đồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng triều cường. Ảnh: Phương Anh
Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng triều cường. Ảnh: Phương Anh

Ông Đắc cho biết thêm, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường công tác khảo sát thực tế các điểm xung yếu, nhất là các tuyến đê sông, bờ bao, đê bao chưa đảm bảo an toàn, công trình đường giao thông có cao trình thấp, tuyến đê chưa khép kín để thực hiện việc gia cố, bồi trúc, chủ động khắc phục, ứng phó.

“Huyện cũng đề nghị các địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, đội xung kích phòng, chống thiên tai ở các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24, các ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, các ngày trong đợt triều cường hàng tháng. Với cách làm như vậy sẽ kịp thời phát hiện những điểm xung yếu trên địa bàn để có giải pháp ứng phó nhanh nhất”, ông Đắc cho hay.

PHƯƠNG ANH
TIN LIÊN QUAN

Nhịp sống 24h: Triều cường ở Cần Thơ có thể vượt đỉnh lịch sử 2022

Vinh Phú |

Nhịp sống 24h: Triều cường ở Cần Thơ có thể vượt đỉnh triều lịch sử 2022; Khởi tố 15 bị can vụ lập công ty tài chính chiếm đoạt tiền của chủ thẻ tín dụng;...

Nhịp sống 24h: Triều cường ở Cần Thơ có thể vượt đỉnh lịch sử 2022

Vinh Phú |

Nhịp sống 24h: Triều cường ở Cần Thơ có thể vượt đỉnh triều lịch sử 2022; Khởi tố 15 bị can vụ lập công ty tài chính chiếm đoạt tiền của chủ thẻ tín dụng;...