Độc đáo nghi lễ thượng và hạ cây nêu ở ngôi thành đá cổ hơn 600 năm tuổi

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nhiều năm nay cứ đến dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (ở huyện Vĩnh Lộc) lại tổ chức lễ thượng và hạ nêu. Việc tái hiện nghi lễ, phong tục truyền thống tốt đẹp này nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân, học sinh trên địa bàn mỗi độ Tết đến Xuân về.

Ông Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết, nhiều năm nay, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, đơn vị lại tổ chức Lễ thượng nêu. Đây là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hoạt động đón Xuân Giáp Thìn 2024.

Nghi thức dựng cây nêu ngày Tết tại khu di sản thế giới Thành nhà Hồ. Ảnh: Minh Hoàng
Nghi lễ dựng cây nêu ngày Tết tại khu di sản thế giới Thành nhà Hồ. Ảnh: Minh Hoàng (Chụp ngày 1.2.2024)

Lễ thượng nêu Xuân năm nay, với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh trên địa bàn vùng di sản Thành nhà Hồ và đông đảo nhân dân, du khách thập phương. Sự kiện nhằm tái hiện lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp tình yêu, lòng tự hòa về văn hóa đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghi thức rước cây nêu được diễn ra trang nghiêm. Ảnh: Minh Hoàng
Nghi thức rước cây nêu được diễn ra trang nghiêm. Ảnh: Minh Hoàng (Chụp ngày 1.2.2024)

Cũng theo ông Linh, dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt. Lễ dựng báo hiệu một năm mới bắt đầu và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng. Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ thượng tiêu, là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.

Lễ thượng nêu trước khu thành đá cổ diễn ra trang nghiêm. Ảnh: Minh Hoàng
Lễ thượng nêu báo hiệu một năm mới bắt đầu. Ảnh: Minh Hoàng (Chụp ngày 1.2.2024)

Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của Triều đình. Khi lễ thượng nêu thực hiện là thông báo thời khắc năm mới đã đến, triều đình sẽ tạm dừng mọi hoạt động và chỉ tập trung đón tết. Đồng thời nghi lễ thượng nêu cũng thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa vạn vật sinh sôi phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh lễ thượng và hạ nêu trong dịp Tết, năm nay Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cũng tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện như: Chương trình giáo dục Di sản – Rung chuông vàng với chủ đề “Âm vang cố đô” cho hơn 1.000 học sinh trên địa bàn vùng di sản; trưng bày không gian “Đất và người Tây Đô”; tái hiện “Tết xưa di sản”; cho chữ đầu Xuân “Dấu xưa triều Hồ”; trình diễn văn hóa nghệ thuật vùng Tây đô với chủ đề “Sắc Xuân thành cổ”…

Các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại Thành nhà Hồ nhận được sự quan tâm, tham gia của rết nhiều học sinh, người dân trên địa bàn. Ảnh: Minh Hoàng
Các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại Thành nhà Hồ nhận được sự quan tâm, tham gia của rết nhiều học sinh, người dân trên địa bàn. Ảnh: Minh Hoàng (Chụp ngày 1.2.2024)

Được biết, ngoài các sự kiện văn hóa đặc sắc, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, du khách trong và ngoài nước khi tới di sản thế giới Thành nhà Hồ sẽ được miễn phí vé tham quan. Thời gian miễn phí bắt đầu từ ngày 4.2 đến ngày 10.2 (tức từ ngày 25.12 đến hết ngày 1.1 Âm lịch).

QUÁCH DU