Độc đáo triển lãm tranh trừu tượng bằng nhạc tính

DI PY |

Triển lãm tranh "Nhạc khúc" của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh diễn ra vào dịp 20.10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam) trưng bày 32 tranh trừu tượng ở Thi Art Space.

Hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh đã liên tục bước qua bước lại giữa tranh chân dung có thiên hướng tả thực, tranh biểu hiện, tranh trừu tượng… Như một cuộc tìm kiếm, đến bộ Nhạc khúc (2023) hòa trộn thành biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism), nơi hiện thực tưởng chừng như rõ ràng, thì đã bị xóa nhòa ngay sau đó.

Được biết, hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh manh nha vẽ trừu tượng ngay từ khi còn học ở Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp hai năm, anh đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên tại phòng tranh Tự Do, TP.HCM, gồm 21 tranh trừu tượng.

Một số tác phẩm trong triển lãm. Ảnh: NVCC.
Một số tác phẩm trong triển lãm. Ảnh: NVCC.

Trần Thế Vĩnh quan niệm: “Với tôi, phong cách chính là nội lực tự thân có được khi có trải nghiệm từ quá trình sống, suy tư, và làm việc, sáng tạo. Khi có được một sự chín chắn của tư duy, sự vững chắc về kỹ thuật, sự chín muồi về cảm nhận, sự ổn định về tư tưởng thì phong cách sẽ rõ ràng và thực sự nhất".

Xem Nhạc khúc, các bức tranh như diễn tả những trạng thái - tình huống nhạc mà Trần Thế Vĩnh cảm và phiêu, có khi là jazz, có khi là blues, có khi là một câu ca cổ, một ca từ mới, hoặc một điệu buồn của nhạc vàng…

Các bức tranh, thay vì bày tỏ hoặc kể chuyện, chỉ còn là các trạng thái, các hình dung. Nếu so với cổ nhạc đờn ca tài tử, thì bộ tranh này như đang chuyển từ 3 bài Nam (chủ đạo là trầm buồn, ai oán - tượng trưng cho mùa thu) sang 4 bài oán (hiền hòa, non nước thanh bình - tượng trưng cho mùa đông).

Trần Thế Vĩnh
Hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh. Ảnh: NVCC.

Trần Thế Vĩnh trải lòng: “Với tôi, vẽ tranh trước tiên là để thỏa mãn đam mê của chính mình, chỉ được vẽ là thích. Sau đó lớn dần lên theo trải nghiệm và học thuật, những suy tư trăn trở tìm kiếm chính mình trong hội họa.

Đó là hành trình tìm kiếm bản nguyên tự thân và hội họa chính là phương tiện để tôi làm điều đó. Và tôi nghĩ, tôi đến với hội họa như là sứ mệnh và đó là câu trả lời cho câu hỏi vì sao tôi vẽ".

DI PY