Đồng nghiệp đánh nhau trên... Facebook!

MINH PHÚC |

Chỉ vì một dòng trạng thái (Status) trên trang Facebook cá nhân liên quan đến một đồng nghiệp mà chị Ngọc Thanh phải chịu cảnh khốn đốn, thậm chí còn bị công an mời lên làm việc.

Sự việc bắt đầu khi người đồng nghiệp lâu năm của chị Thanh lên làm sếp của phòng. Chị Thanh không thích người đồng nghiệp vì cho rằng đó là một người xu nịnh, tài thì ít nhưng lại lấy lòng sếp thì giỏi. Cho nên khi đồng nghiệp lên làm sếp chị đã viết lên Facebook cá nhân là “Chó ngáp phải ruồi”. Nhiều người vào bình luận, trong đó có cả người vừa được lên sếp. Một cuộc khẩu chiến kéo dài trên mạng. Dù không chửi trực tiếp nhưng những câu bình luận (Comment) bóng gió, nói gần nói xa của đôi bên cũng khiến người khác nóng mặt. Cuộc chiến trên mạng lan ra cả nơi làm việc khi cả hai người đều không thèm nhìn mặt nhau.

Sự việc chưa được giải quyết thì người yêu của Thanh chia sẻ một đường dẫn (Link) bài báo lên trang cá nhân của Thanh. Dòng chia sẻ có nội dung “Đâm trọng thương đồng nghiệp vì bị chèn ép” kèm theo lời chú thích: “Nếu không bị chèn ép mà đồng nghiệp là một kẻ không có đạo đức thì xử như thế nào nhỉ?”. Đáp lại dòng chia sẻ của người yêu, Thanh trả lời: “Không có đạo đức thì không nên tồn tại chứ biết xử ra sao nữa. he he”.

Không chỉ bạn bè của Thanh mà một số đồng nghiệp cùng công ty “nhảy” vào tranh luận, đưa ra ý kiến. Từ một dòng trạng thái vu vơ, qua những dòng bình luận, người đồng nghiệp mới lên chức của Thanh thấy chột dạ vì nhiều bình luận lại nhắc đến tên mình.

Vài ngày sau, Thanh được công an mời lên làm việc để làm rõ nội dung tố cáo của một công dân cho rằng, Thanh đang đe dọa tính mạng của họ. Người tố cáo không ai khác chính là người đồng nghiệp vừa lên chức của Thanh, bằng chứng là màn hình chụp Facebook những dòng trạng thái, bình luận có “hơi hướng” nhắc đến chuyện lên chức của người đồng nghiệp. Sau sự việc đó, giữa Thanh và người đồng nghiệp đó coi như cạch mặt, không khí trong phòng lúc nào cũng căng thẳng.

Biết phòng kinh doanh có vấn đề, giám đốc yêu cầu cả hai lên làm việc. Thanh cho rằng, người đồng nghiệp của mình nhỏ nhen, chuyện bé xíu cũng đem đi tố cáo lên cơ quan công an. Người đồng nghiệp nay đã lên sếp lại cho rằng, Thanh là lính mà không biết phép tắc, nói xấu lãnh đạo trên Facebook khiến chị mất uy tín, không lãnh đạo được nhân viên. Chưa kể, việc Thanh và người yêu bàn chuyện “Xử lý đồng nghiệp không đạo đức” khiến chị sợ hãi, không còn tâm trí để làm việc...

Để cho hai người xả hết ấm ức, vị giám đốc lớn tuổi mới lên tiếng phân tích: Khi lựa chọn người lên làm lãnh đạo, ban giám đốc ắt hẳn có những lý do của mình. Có thể lựa chọn đó đúng, cũng có thể sai, đúng sai thế nào thì người chịu thiệt hại là ban giám đốc, là công ty. Việc của nhân viên là phải làm tốt việc của mình, nếu không hài lòng việc gì cũng nên trao đổi thẳng. Việc của sếp là phải bao dung, rộng lượng. Nếu nhân viên không phục mình thì mình phải chứng tỏ cho nhân viên thấy mình là một người có tài, có đức, có tâm, có tầm chứ không phải đi trù dập, cãi nhau với nhân viên.

“Nhân viên có cái khó của nhân viên, sếp có cái khổ của sếp, mỗi người mỗi việc, đã xác định ở trong tập thể là phải đồng lòng, vì nồi cơm chung. Không hài lòng thì nói thẳng, đừng nói bóng gió, nói sau lưng hoặc đem lên Facebook để người khác có cơ hội cười chê. Người bị nói xấu đã đành, người đi nói cũng không được ai đánh giá cao đâu bởi không ai đi tin một người suốt ngày đi nói xấu sau lưng người khác. Thôi các chị về phòng, nếu tái diễn một lần nữa, tôi giải tán cả cái phòng, tuyển mới hết” – Vị giám đốc chốt lại, cả hai “dạ” rồi lầm lũi ra về.  

MINH PHÚC