Dùng AI quảng bá văn hóa – nghệ thuật địa phương tại Đà Nẵng

Trần Thi |

"Đà Nẵng tui" – dự án do các bạn trẻ Đà Nẵng thực hiện với các triển lãm nghệ thuật bằng âm thanh, hình ảnh đặc biệt là sử dụng AI trong quảng bá địa phương.

Văn hóa Đà Nẵng nhìn bằng công nghệ

Dự án "Đà Nẵng tui" là dự án kết nối giữa nghệ thuật và văn hóa với thế hệ GenZ cùng các thế hệ trước đó; bằng nhiều phương thức khác nhau, dự án đã nhiều lần kết nối người dân địa phương và thế giới bên ngoài một cách mới lạ và độc đáo.

Dự án "Đà Nẵng tui" đã mang đến sự đổi mới bằng cách tạo ra một không gian sáng tạo liên kết mạnh mẽ với cộng đồng. Tổ chức các triển lãm không chỉ về nghệ thuật thị giác mà còn kết hợp với văn hóa địa phương và sự tương tác cộng đồng, như triển lãm "Nghệ Exhibition" hay "Lênh Đênh" từ năm 2017 đến nay.

Tranh động xem bằng công nghệ AR mang đến những hình ảnh về một làng chài sống động ở Đà Nẵng. Ảnh: TT
Tranh động xem bằng công nghệ AR mang đến những hình ảnh về một làng chài sống động ở Đà Nẵng. Ảnh: Trần Thi

Các triển lãm của "Đà Nẵng tui" mang đến không chỉ hình ảnh, âm thanh sống động mà đặc biệt là những công nghệ như thực tế ảo tăng cường AI trong tác phẩm, sử dụng các ứng dụng công nghệ, 3D Mapping Room, 3D AR Art… để người xem có thể tương tác, trải nghiệm từ đó khuyến khích người tham gia hòa mình vào không gian nghệ thuật, tạo nên sự khác biệt so với các sự kiện triển lãm thông thường​.

Năm 2024, triển lãm “Rong-Rao” của "Đà Nẵng tui" tiếp tục gây ấn tượng tốt với công chúng nhờ ứng dụng công nghệ tối ưu, giúp truyền tải trọn vẹn ý tưởng nghệ thuật và sự sáng tạo thông qua tivi, máy tính bảng và các giải pháp công nghệ tiên tiến.

Công chúng có thể chiêm nghiệm được một chuyến rong ruổi đa giác quan qua từng ánh nhìn, âm thanh, điểm chạm lần lượt được các sản phẩm công nghệ biến chuyển thành hiện thực một cách mượt mà.

Sân chơi bổ ích cho người yêu nghệ thuật

Đối với những nghệ sĩ tham gia vào triển lãm, đây cũng là cơ hội để họ có thể thỏa sức sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào thực hiện tác phẩm nghệ thuật để tạo ra những điều mới mẻ.

Chị Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu (Trưởng nhóm Không gian văn hóa sáng tạo "Đà Nẵng tui") cho hay, ý tưởng dự án được hình thành khi Hiếu đến thăm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tham dự các triển lãm nghệ thuật của giới trẻ, nơi họ dùng nghệ thuật hiện đại để giới thiệu thành phố.

"Điều đó khiến mình tự hỏi tại sao Đà Nẵng không có những triển lãm như vậy, từ đó, dự án dần hình thành và chính thức hoạt động vào tháng 10.2017 đến nay", chị Hiếu nói.

Triển lãm Rong-Rao của “Đà Nẵng tui” mang đến nhiều trải nghiệm thực tế bằng các công nghệ, AI. Ảnh: Trần Thi
Triển lãm Rong-Rao của “Đà Nẵng tui” mang đến nhiều trải nghiệm thực tế bằng các công nghệ, AI. Ảnh: Trần Thi

Từ năm 2017 đến nay, "Đà Nẵng tui" đã tổ chức nhiều triển lãm, thu hút đông đảo nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng các tình nguyện viên đến từ nhiều trường đại học tại Đà Nẵng. Từ đó tạo nên một không gian sáng tạo và giao lưu cho những người yêu nghệ thuật, văn hóa Đà Nẵng và Việt Nam.

Chị Hiếu còn cho biết thêm, thông qua các triển lãm, ngoài ý nghĩa là quảng bá văn hóa - con người Đà Nẵng thì nhóm còn mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số, tận dụng các ứng dụng công nghệ số, thực tế ảo (VR), và AI, giúp nâng cao khả năng tiếp cận và tương tác với các sự kiện nghệ thuật.

Từ đó tạo cơ hội phát triển công nghệ sáng tạo, hướng Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm nghệ thuật số, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ sáng tạo, thu hút nhân tài và đầu tư vào ngành công nghệ tại Đà Nẵng.

Trần Thi