Giải pháp nào để xóa 100 điểm ngập ở TPHCM

T.S |

Là 1 doanh nhân có tâm huyết với lĩnh vực chống ngập cho TPHCM, ông Nguyễn Tăng Cường – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung -  Anh hùng lao động – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học – Công nghệ đã dành 7 năm nghiên cứu về tình trạng ngập nước tại TPHCM. Để người dân TPHCM hiểu hơn về tình trạng ngập nước, PV Lao Động đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Tăng Cường xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, TPHCM hiện nay có hơn 100 điểm ngập trải đều trên nhiều quận huyện. Vậy ông có đánh giá, nhận xét gì về tình trạng này?

Ông Nguyễn Tăng Cường: Theo tôi, phải dùng từ là “khu vực ngập” chứ không phải là “điểm ngập”. Tôi đã nghiên cứu kỹ, đại đa số trên 100 khu vực ngập đều có cốt nền rất thấp, từ 1,2m – 1,5m. Với cốt nền này thì nước thủy triều lên 1,5m là một số nơi đã bị ngập. Thời gian bị ngập kéo dài vài giờ. Thành phố đã phải lắp các van 1 chiều để cho nước ngoài sông không xâm nhập vào bên trong. Tuy nhiên, vào mùa mưa, khi mưa trút xuống đúng vào lúc triều cường dâng lên thì nước không thoát đi đâu được.

Ví dụ, khu vực rộng 100ha, 1 giờ mưa xuống với vũ lượng 100mm thì ở khu vực này đã có 100.000m3 nước mưa. Nếu chia đều cho 100ha, tương đương 1 triệu m2 thì mực nước khu vực này sẽ bị ngập bình quân 10cm. Sau đó nước chỗ cao sẽ chảy về chỗ thấp, chỗ nào có cốt nền thấp dưới 1,5m sẽ bị ngập sâu từ 50cm – 70cm trong nhiều giờ. Khi thủy triều rút xuống thì nước mới cạn. Hiện nay do trái đất nóng lên, nước biển dâng, cốt nền của TPHCM bình quân hàng năm bị lún tự nhiên từ 3-5cm, dự báo trong 10 năm tới, TPHCM sẽ bị lún 50cm, các điểm ngập ngày một tăng.

PV: Hiện nay, các chuyên gia đưa ra giải pháp nâng đường và thay cống lớn để giải quyết chống ngập. Vậy theo ông giải pháp này có hiệu quả hay không?

Về vấn đề này, tôi xin phân tích như sau: Nếu đường đã xuống cấp, hết tuổi thọ thì công tác sửa chữa, duy tu đường là chuyện đương nhiên. Nếu nâng đường để chống ngập thì xung quanh khu vực có cốt nền thấp dưới 1,5m là nhà của dân sẽ thành “ao”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe do tiếp xúc nước ô nhiễm, đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh của người dân.

Nếu thay cống to để chống ngập mà đặt cống có độ dốc thủy lực 0,1% (theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng) thì cốt nền phải đạt 2,5m. Như thế, nền nhà của dân sẽ bị thấp hơn mặt đường 1m. Nếu nâng công trình lên cốt nền là 2m như QĐ-752/QĐ/TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM giai đoạn đến 2020 thì độ dốc thủy lực của cống chỉ đạt 1/2 độ dốc tối thiểu theo tiêu chuẩn. Như vậy, nhà của người dân sẽ thấp hơn mặt đường 50cm.

Tóm lại, nếu các chuyên gia đưa ra giải pháp nâng cốt nền đường và cốt nền đặt cống thì sẽ phải nâng cốt nền cho toàn bộ khu vực có cốt nền thấp. Như vậy sẽ phá vỡ hết kết cấu hạ tầng và vô cùng tốn kém, lãng phí tiền của nhân dân. Nếu nâng cục bộ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, không giải quyết được chống ngập.

Tôi cho rằng, chuyên gia nào đưa ra giải pháp tư vấn cho thành phố nâng đường, thay cống ở nơi có cốt nền thấp dưới 1,5m thì chẳng khác gì tiếp tay gây lãng phí tiền của nhân dân.

PV: Nếu dùng giải pháp bơm thì một số người đưa ra ý kiến rằng bơm chỗ ngập này thì lại ngập chỗ khác. Ông giải thích như thế nào?

Tất cả các khu vực bị ngập của TPHCM đều có hệ thống cống thoát nước chảy ra sông, gần xa khác nhau. Nước chỗ cao sẽ chảy xuống chỗ thấp, chúng ta muốn nước từ chỗ thấp lại chảy lên chỗ cao thì phải dùng bơm. Không phải loại bơm nào cũng bơm được nước dưới cống, có nhiều tạp chất để chống ngập. Hơn nữa, thời gian phải bơm cần rất nhanh, khoảng 10 – 20 phút thì mới đạt yêu cầu chống ngập.

Tôi xin khẳng định trên 100 khu vực bị ngập của thành phố nếu đồng loạt bơm nước ra sông thì nước ngoài sông chỉ dâng cao lên không quá 3cm, và không có chuyện bơm chỗ ngập này nước sẽ chảy sang chỗ ngập khác.

PV: Hệ thống bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh đã vận hành được 25 lần, có 2 lần thất bại. Một số chuyên gia đưa ra lý do những lần thất bại đó là hệ quả của “quả đấm thủy lực”, vậy ông có ý kiến gì?

Tôi đã đọc gần 30 bài đăng trên một tờ báo, nói đi nói lại phát biểu này của TS Nguyễn Thành Sơn. Bài nào cũng đưa ra công thức máy bơm ví như các công trình thủy điện. Hiện tượng có không khí vào đường ống hút và đường ống đẩy sẽ gây ra hiện tượng “quả đấm thủy lực”.

Tôi đã tham gia nhiều công trình thủy điện như Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Sê San 3, sông Tranh, Đắc Rinh, Hủa Na, Huội Quảng, Sơn La, Lai Châu.

TS Nguyễn Thành Sơn dùng thuật ngữ kỹ thuật chưa đúng chuyên môn về hiện tượng “quả đấm thủy lực”. Những người có chuyên môn gọi là “hiện tượng nước va”. Tôi thấy TS Nguyễn Thành Sơn lấy ví dụ các công trình thủy điện có cột áp cao hàng trăm mét để so sánh với hệ thống bơm chống ngập của chúng tôi có cột áp không quá 3m là quá khập khiễng và không phù hợp với chuyên môn.

Cột áp các công trình thủy điện là trên 10 At-mot-phe, cột áp của hệ thống bơm chống ngập của chúng tôi chỉ có 0,3 At-mot-phe. Chúng tôi đã nghiên cứu thiết kế loại bơm lắp ở đường Nguyễn Hữu Cảnh là đã tính toán triệt tiêu toàn bộ “hiện tượng nước va”. Vì bơm của chúng tôi đặt dưới mực nước của đường ống cống, lúc nào nước cũng chảy về buồng bơm.

PV: Với 100 điểm ngập của TPHCM do cốt nền thấp từ 1,2-1,5m mà ông vừa nói, theo ông thì có giải pháp nào để chống ngập vừa tiết kiệm tiền nhà nước, vừa không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?

Theo quan điểm của tôi, để không phá vỡ kết cấu hạ tầng, tiết kiệm ngân sách nhà nước khi chống ngập cho các khu vực có cốt nền thấp dưới 1,5m chỉ có giải pháp dùng bơm, đưa nước ra sông như Hà Lan, Nhật, Singapore, Malaisia và một số nước khác đang làm hiệu quả.

Còn nếu giải pháp nâng đường, thay cống lớn để chống ngập như quan điểm của các chuyên gia như TS Nguyễn Thành Sơn, TS Hồ Long Phi, TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), TS Vũ Hải (có 50 năm kinh nghiệm thoát nước) mà không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; đảm bảo nước thoát được ra sông; không gây ngập; đảm bảo độ dốc thủy lực của hệ thống cống đúng tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (từ 0,1%-0,3%) và đạt hiệu quả thì tôi thiết nghĩ hàng triệu người dân TPHCM đã không phải bì bõm trong dòng nước ngập suốt chục năm nay.

Tôi nghĩ rằng, những việc làm của Cty chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, nhất là các chuyên gia, cơ quan quản lý. Chúng tôi không đồng tình với một số chuyên gia đóng góp với hàm ý thiếu xây dựng, như thế sẽ làm cho đất nước không phát triển được. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao hợp tác với chúng tôi để hoàn thiện sản phẩm ngày một tốt hơn.

T.S