Trong chương trình, Hoàng Rapper và Hải Vót tìm gặp bà Phạm Thị Thanh Phượng để học nghề. Khi MC Hoàng Rapper thắc mắc về lịch sử làng nghề, bà Phượng cho biết gia đình đã có truyền thống làm chiếu được rất nhiều đời.
“Tôi cũng không biết cụ thể là nơi đây làm chiếu từ năm nào bởi từ nhỏ tôi đã thấy ông bà nội dệt chiếu, cha mẹ tôi, tôi và các con cũng dệt chiếu nữa. Không chỉ có 4 đời như tôi biết mà trước ông bà tôi còn có rất nhiều thế hệ dệt chiếu truyền thống ở đây” - bà nói.
Theo bà Phượng, ở làng nghề Long Cang thì nhà nào cũng trồng lác (cói) và hầu như ai cũng biết cách dệt chiếu thủ công. Đứng giữa đồng lác, Hoàng Rapper và Hải Vót thích thú khi được chứng kiến cảnh người dân địa phương thu hoạch lác. Cả hai tranh thủ tìm hiểu về chu kì trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như nhuộm màu cho cây lác.
Làng nghề dệt chiếu Long Cang ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An từ lâu đã nổi tiếng với chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in. Những loại chiếu này thường được nhiều người khen vì độ bền, nằm mát và hoa văn đẹp, tự nhiên. Để có được một đôi chiếu đẹp, người thợ phải cẩn thận từ khâu chẻ lác, nhuộm lác và khéo léo cả trong công đoạn dệt để tạo hình hoa văn.
Trước tình hình chiếu lác truyền thống giảm mạnh, cùng với vùng trồng lác nhiều nơi trở thành khu công nghiệp nên để giữ nghề, phần dệt thủ công đã được thay thế bằng máy dệt. Đối với người dân tại làng nghề Long Cang, dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn mang một giá trị tinh thần và là trách nhiệm to lớn trong việc gìn giữ giá trị truyền thống quê hương.
Rời cánh đồng lác, Hoàng Rapper và Hải Vót tiếp tục được tìm hiểu về công đoạn dệt chiếu thủ công. Theo bà Phượng, khi xã hội phát triển hơn thì nhiều người thích nằm nệm, sản lượng chiếu dệt giảm đi nhiều. Dù vậy, bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được làm nghề, vẫn có nhiều người thích nằm chiếu truyền thống bởi độ mát mẻ của nó nên sản lượng mỗi năm dù không nhiều như thời hoàng kim nhưng vẫn rất ổn định.
Bên cạnh đó, nghề dệt chiếu là nghề gia truyền nên ngay từ khi con nhỏ bà Phượng đã tập tành làm theo mẹ và dần trở thành thợ lành nghề. “Nghề này không phải học nhiều, tập làm từ nhỏ rồi thuần thục thôi. Lúc 10 tuổi tôi đã biết dệt chiếu rồi. Tôi nhớ lúc đó đi học về ngồi cạnh mẹ làm chiếu, làm theo dần mà quen tay”, bà Phượng nói.
Sau khi lắng nghe những tâm sự của bà Phượng, diễn viên Hải Vót hào hứng học nghề dệt chiếu. Việc đưa từng cọng chiếu vào máy dệt thủ công khiến nam diễn viên không khỏi bỡ ngỡ, tưởng dễ mà không dễ. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình của bà Phượng, Hải Vót nhanh chóng bắt nhịp và tiếp tục vào công việc dệt chiếu thủ công. Anh nhận được lời khen của “cô giáo” bởi sự chịu khó học hỏi nghề truyền thống ở làng Long Cang, Cần Đước, Long An.