Khéo léo thương lượng để mang lợi ích đến cho đoàn viên

Lê An Nhiên |

Nhiều công đoàn (CĐ) cơ sở có những cách làm hay, sáng tạo mang đến nhiều lợi ích cho đoàn viên. Kết quả đó chính là sự nỗ lực, khéo léo trong thương lượng của những người làm CĐ khi đối thoại với chủ doanh nghiệp (DN).

Không phải tốt nhất mà là phù hợp nhất

“Các chương trình dành cho đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) không phải là tốt nhất mà phải là phù hợp nhất” – Đó là quan điểm của ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) khi triển khai các chương trình phúc lợi, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.

Ông Phúc lấy ví dụ về xây dựng nhà trẻ cho con CN. Mấy năm trước, báo chí đăng tải nhiều thông tin về việc con CN bị bạo hành khi gửi trẻ ở các nhà trẻ không phép khiến CN rất hoang mang. Ban chấp hành CĐ mạnh dạn đề nghị với ban giám đốc xây dựng nhà trẻ dành cho con CN. Ông Phúc kể: “CĐ phải mất một thời gian dài thương lượng để mới có được nhà trẻ chất lượng quốc tế cho con CN. Không phải chủ DN không muốn thực hiện nhưng muốn xây một nhà trẻ chất lượng không phải đơn giản. Hai khó khăn thời điểm đó là tài chính và quỹ đất xây dựng. Với vốn đầu tư 3 triệu USD, ban giám đốc phải tính toán. Khi có nguồn tài chính rồi thì lại không có quỹ đất. Nhà trẻ phải gần nhà xưởng để tiện cho CN đưa đón con. Để có được diện tích 7.500 mét vuông, công ty phải cắt bớt đất dự kiến xây nhà xưởng, xin chuyển đổi mục đích sử dụng… Rất phức tạp. Trong suốt quá trình đó, CĐ không để ban giám đốc tự làm mà CĐ cũng phải bắt tay vào làm, cùng với ban giám đốc đưa ra các phương án giải quyết để có được kết quả tốt nhất”. Kết quả là năm 2016, Nhà trẻ của Cty Taekwang Vina được thành lập, quy mô tiếp nhận khoảng 1.000 con CN. Để hỗ trợ cho CN, trường chỉ thu học phí 800.000 đồng/tháng, chi phí còn lại công ty hỗ trợ với khoảng hơn nửa tỷ đồng/tháng.

“Tuy nhiên, có một thực tế là nhà trẻ chuẩn 5 sao như vậy nhưng CN gửi con không nhiều. Đến nay, số lượng con CN được gửi ở Nhà trẻ của công ty không đạt mức tối đa, nhiều CN vẫn chọn gửi con ở bên ngoài” – Ông Phúc nói. Lý do được anh chị em CN đưa ra là, nhiều CN ở xa trụ sở công ty, nếu họ đưa con đến gần công ty để học tại trường thì họ phải vượt mười mấy cây số, nếu trời mưa gió thì càng nguy hiểm hơn, do đó, họ chọn gửi con ở gần nhà để giảm bớt một phần nguy hiểm khi lưu thông trên đường. Ông Phúc chia sẻ: “Như vậy, nhà trẻ tốt nhất chưa hẳn là phù hợp nhất với lựa chọn của CN dành cho con mình. Chúng tôi nghĩ, việc xây dựng những nhà trẻ quy mô nhỏ ở các cụm dân cư, các cô bảo mẫu được tập huấn, trang bị kỹ năng tốt để nuôi dạy trẻ là tốt nhất. Phần CĐ, chúng tôi không thể để các con của CN ở xa thiệt thòi nên tiếp tục đề xuất với ban giám đốc duy trì tiền hỗ trợ cho CN nuôi con nhỏ từ lúc mới sinh đến hết 6 tuổi, với mức hỗ trợ là 100.000 đồng/cháu/tháng, tổng chi phí mà công ty bỏ ra hàng tháng là hơn 1 tỷ đồng”.

Theo ông Phúc, khi triển khai các chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, CNLĐ, CĐ Cty Taekwang Vina không kỳ vọng các chương trình sẽ hướng được hết tất cả các đoàn viên hoặc tất cả đều được thụ hưởng, mà theo đó, các chương trình sẽ phù hợp với một số đối tượng nhất định. Ông Phúc ví dụ, chương trình Hỗ trợ NLĐ xây dựng nhà tình thương sẽ hướng đến đối tượng CN làm việc lâu năm, có đất nhưng không có tiền xây nhà; Hỗ trợ đoàn viên đi học thì đối tượng hướng đến là CN trẻ, ham học nhưng không có điều kiện đến trường… “Khi hướng đến những đối tượng nhất định, chương trình sẽ có hiệu quả, đoàn viên, NLĐ hưởng ứng thì chủ DN sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ CĐ hoạt động” – Ông Phúc nói.

Chăm lo cho người lao động, chủ doanh nghiệp được lợi

“Mục tiêu của đối thoại, thương lượng là hai bên cùng thắng, vừa phải đảm bảo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và bền vững cho công ty, vừa phải đại diện cho tập thể lao động để yêu cầu công ty đáp ứng những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ” – Ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch CĐ Cty TNHH Hansae Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi, TPHCM), chia sẻ. Chính vì thế, khi thương lượng các điều khoản trong Thỏa ước lao động tập thể, CĐ đưa ra nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật nhưng vẫn được phía công ty chấp thuận. Đơn cử như, NLĐ được hưởng lợi nhuận do mình làm ra theo chế độ thưởng quý. Căn cứ kết quả sản xuất hàng quý của các xưởng, nếu xưởng nào đạt mức lợi nhuận từ 6% trở lên sẽ được trích lợi nhuận để thưởng cho tất cả CNV của xưởng đó; mức thưởng từ 30 - 75% tháng lương/quý. Tất cả NLĐ được thưởng lương tháng 13 vào dịp tết dù công ty có lợi nhuận hay không. NLĐ được chu cấp 1 bữa ăn giữa ca và 1 bữa ăn tăng ca với giá trị cao hơn mức sàn do Nghị quyết Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra (16.500 đồng/suất ăn).

Theo ông Hùng, đối thoại và hội nghị thương lượng tập thể là một kênh rất tốt để CĐ có thể thương lượng với chủ DN về các điều khoản có lợi cho đoàn viên, NLĐ. “Những nội dung kiến nghị của NLĐ được đối thoại 1, 2 lần không thành công, nếu nội dung nào là chính đáng và thiết thực thì ban chấp hành CĐ sẽ tiếp tục đưa ra trong hội nghị đối thoại lần tới hoặc trong hội nghị thương lượng tập thể. Không phải mỗi lần tổ chức hội nghị thương lượng tập thể là CĐ chúng tôi có được những điều khoản tốt hơn cho NLĐ để đưa vào ký kết thỏa ước lao động tập thể. Có những điều khoản trước đó thương lượng không thành công nhưng sau đó đã được ban giám đốc chấp thuận trong hội nghị đối thoại định kỳ và khi có được những chính sách mới, chế độ phúc lợi tốt hơn cho NLĐ là CĐ cơ sở chúng tôi chủ động sửa đổi, bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể để cùng ban giám đốc ký kết” – Ông Hùng chia sẻ.

Là đơn vị cũng có nhiều cách làm, sáng tạo mang đến lợi ích cho đoàn viên, bà Kiều Ngọc Hoa – Chủ tịch CĐ Cty TNHH Điện tử SamSung HCMC CE Complex, chia sẻ: Khi đề xuất công ty xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ CN, Ban chấp hành CĐ cơ sở đã họp nhiều lần, trình bày nhiều phương án tối ưu nhất để công ty không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi giải trí, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho CN. Từ những đề án của Ban chấp hành CĐ cơ sở, ban giám đốc đã đồng ý xây dựng 1 sân bóng đá mini loại hình 11 người, trang bị cỏ nhân tạo hiện đại, có mái che với sức chứa khán giả là 5.000 người. Ban giám đốc còn xây dựng 1 phòng làm việc và hội họp riêng cho Ban chấp hành CĐ cơ sở với đầy đủ trang thiết bị, Cty còn xây dựng nhiều phòng riêng cho lao động nữ mang thai, xây dựng hội trường với sức chứa 600 người để CĐ sinh hoạt…

“Chúng tôi cho rằng, khi DN chăm lo tốt cho NLĐ của mình, không chỉ NLĐ được lợi mà chính DN cũng được lợi đó là NLĐ gắn bó với DN, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa” – Bà Kiều Ngọc Hoa nhận xét.

Lê An Nhiên