Kho báu tài nguyên kinh tế rừng đang chờ Gia Lai khai phá

THANH TUẤN |

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, tỉnh Gia Lai phải bảo vệ được rừng và phát triển kinh tế từ rừng như bán tín chỉ carbon, dịch vụ môi trường rừng, du lịch...

Bảo vệ rừng bền vững

Ngày 10.8, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2023, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt hơn 520 tỉ đồng chiếm khoảng 1,57% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Toàn tỉnh Gia Lai đã trồng rừng được 8.059 ha, đạt 100,7% kế hoạch. Tỉ lệ che phủ rừng tăng dần qua các năm. Hiện nay, phát triển lâm nghiệp đã vượt qua thời kỳ suy thoái, đang dần phục hồi, thu hút được nguồn lực đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai có các khu dự trữ sinh quyển thế giới như Kon Hà Nừng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng… Với hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên đa dạng này sẽ là tiền đề quan trọng để Gia Lai thu hút khách du lịch đến lưu trú, khám phá, trải nghiệm.

Bảo vệ rừng cũng như bảo vệ lá phổi xanh cho Gia Lai, nên hiện cơ quan chức năng nơi đây đang thu hút được 37 dự án trồng rừng với diện tích hơn 31.000 ha.

Cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh Kbang. Ảnh: Thanh Tuấn
Cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh Kbang. Ảnh: Thanh Tuấn

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Gia Lai đầu tháng 8.2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, rừng là tài nguyên quý giá để khai thác hiệu quả, mang lại nguồn lợi kinh tế, giúp người dân ổn định đời sống.

“Hệ sinh thái rừng đa dạng, chúng ta có thể bán tín chỉ carbon, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, làm du lịch, trồng dược liệu… Điều quan trọng chúng ta phải bảo vệ được rừng bền vững, hiểu rõ về văn hóa của cư dân bản địa sinh sống trong rừng. Qua đó, kết hợp cùng họ để giữ rừng hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Chuyển đổi mô hình phải bảo đảm hiệu quả

Tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, rừng tự nhiên có diện tích lớn, trải dài hàng nghìn ha, có trữ lượng gỗ lớn ở Tây Nguyên.

Với hệ sinh thái đa dạng, khí hậu trong lành, rừng ở huyện Kbang phù hợp để trồng các loại dược liệu quý như sâm dây, sâm đá, sâm Ngọc Linh, nấm linh chi đỏ, cây mật nhân, ngũ vị tử, lan kim tuyến…

Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng - cho biết: “Huyện luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nuôi trồng, phát triển dược liệu cũng như phục vụ phát triển du lịch, nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Quan trọng hơn cả là bảo vệ được nguồn gen dược liệu quý, bảo vệ được tài nguyên rừng”.

Cũng như nhiều huyện khác, chính quyền huyện Kbang đang chờ hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Rừng cao su ở xã Ia Puch, huyện Chư Prông. Ảnh: Thanh Tuấn
Rừng cao su ở xã Ia Puch, huyện Chư Prông. Ảnh: Thanh Tuấn

Để phát huy tiềm năng rừng hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng đề xuất Bộ ngành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội cho phép chuyển đổi diện tích hơn 16.000 ha đất trồng cao su bị chết, kém hiệu quả sang làm dự án khác.

Năm 2008, Gia Lai chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su. Tuy nhiên, nhiều diện tích cây cao su phát triển không hiệu quả, không mang lại lợi nhuận, nguy cơ lãng phí tài nguyên đất đai.

Bởi vì vùng núi biên giới Ia Mơ, Ia Puch, huyện Chư Prông thổ nhưỡng, chất đất rừng khộp không phù hợp để trồng cây cao su.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chuyển đổi mục đích của hơn 16.000 ha đất trồng cao su là diện tích rất lớn, cần tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp, phải trồng lại rừng thay thế.

THANH TUẤN