Khó khăn bộn bề trong công tác dạy nghề ở vùng biên Đắk Nông

BẢO LÂM |

Đắk Nông - Mặc dù đã trải qua hơn 17 năm thành lập nhưng đến nay, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đắk Song vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn từ việc hoàn thiện đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy nghề.

Cơ sở vật chất thiếu thốn

Sau nhiều năm thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song vẫn đang hết sức thiếu thốn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Tổ trưởng Tổ Tự nhiên - Nghề nghiệp cho biết, từ những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất của trung tâm đã thiếu thốn đủ đường. Trong đó, phòng làm việc được dựng tạm bằng vách tôn.

Trong phòng, thứ quý giá nhất là hồ sơ của học viên nhưng không có nhiều tủ đồ để lưu giữ. Chuột bọ chạy khắp nơi, có những bộ hồ sơ bị chúng phá, gặm nát. Các trang thiết bị khác cũng thiếu, nên không thể cung cấp môi trường làm việc tốt nhất cho giáo viên và công tác học tập của học viên.

Cũng theo bà Hằng, một khó khăn nữa là từ năm 2007 đến nay, đơn vị đã phải trải qua 5 lần di chuyển trụ sở. Có những thời điểm, Trung tâm vừa chuyển tới chỗ này chưa ổn định thì lại phải tiếp tục di chuyển đến chỗ khác.

Cơ sở dạy nghề cấp huyện chưa được quan tâm đầu tư về vất chất xứng tầm để phục vụ cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Ảnh: Bảo Lâm
Cơ sở dạy nghề cấp huyện chưa được quan tâm đầu tư vật chất xứng tầm để phục vụ cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Ảnh: Bảo Lâm

Thuê giáo viên và thiết bị để dạy nghề

Theo ông Nguyễn Trọng Chuẩn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song, tỉ lệ học viên đăng ký lớp trung cấp nghề kết hợp học trung học phổ thông ở đơn vị ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của đơn vị không đáp ứng được nhu cầu đào tạo trung cấp. Thế nên, trung tâm chỉ dừng lại ở việc phối hợp tuyển sinh và cho mượn địa điểm đặt lớp một số nghề cơ bản như: Kế toán, Công nghệ thông tin.

"Nhiều giáo viên của Trung tâm không có chuyên môn nghiệp vụ, "tay ngang" chuyển sang làm công tác đào tạo nghề. Họ vừa dạy vừa nghiên cứu, tìm tòi và đúc rút kinh nghiệm ở một nhiệm vụ tương đối mới mẻ khác" - ông Chuẩn cho biết thêm.

Theo ông Chuẩn, trong quá trình mở các lớp đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm phải ra sức vận động và tuyên truyền đến từng hộ gia đình mới thu hút được người dân quan tâm học nghề.

Không những vậy, quá trình sắp xếp thời gian học nghề đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi học viên của đơn vị có nhiều người lớn tuổi, đôi khi họ bận việc nhà, việc nương rẫy thì mình lại phải sắp xếp lại thời gian cho phù hợp.

Trong phòng làm việc ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song chỉ có vài tủ để tài liệu sơ sài, không đáp ứng đủ nhu cầu công việc. Ảnh: Bảo Lâm
Trong phòng làm việc ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song chỉ có vài tủ để tài liệu sơ sài, không đáp ứng đủ nhu cầu công việc. Ảnh: Bảo Lâm

Mặt khác, người giảng dạy ở đơn vị chủ yếu là giáo viên thính giảng ở các trường trung cấp, cao đẳng ở 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, không phải giáo viên của Trung tâm.

Do đó, việc xếp lịch dạy cho giáo viên phù hợp với lịch của học viên cũng là một nhiệm vụ "đau đầu" khác. Để giải quyết việc này, Trung tâm phải lên kế hoạch giảng dạy vô cùng tỉ mỉ mới có thể khắc phục được những khó khăn này.

"Hơn nữa, trong quá trình dạy học, với đặc thù các nghề, giáo viên cần phải có trang thiết bị cho từng ngành nghề để giảng dạy. Tuy nhiên, khoản phí để mua trang thiết bị giảng dạy rất tốn kém. Bởi vậy, Trung tâm phải sử dụng phương án thuê lại của các đơn vị để cắt giảm chi phí" - Ông Chuẩn buồn phiền cho biết.

Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng các thầy cô của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song vẫn đang cố gắng khắc phục từng ngày nhằm duy trì các lớp học.

Tuy nhiên, các giáo viên và lãnh đạo đơn vị mong mỏi trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp lãnh đạo để cùng chung sức đào tạo ra nhiều thế hệ học viên tài năng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

BẢO LÂM