Làng trồng cây lá dong bên ven bờ sông Lam

TRẦN TUẤN |

Nhờ phù sa của dòng sông Lam bồi đắp mà hầu hết người dân thôn Vĩnh Phúc (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đều trồng cây lá dong bán, mang lại thu nhập kha khá mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Thương hiệu lá dong Vĩnh Phúc

Là một trong những hộ dân ở thôn Vĩnh Phúc trồng cây lá dong từ lâu đời, bà Nguyễn Thị Viên chia sẻ, gia đình bà trồng khoảng 1 sào đất cây lá dong.

Dịp Tết Nguyên đán 2024 này, với giá bán 60.000 đồng/100 lá, gia đình bà Viên thu về khoảng 18 đến 20 triệu đồng, có được khoản tiền kha khá để mua sắm Tết.

Lá dong được bán cho các tiểu thương đi mua thu gom tại vườn nên không lo đầu ra vào mỗi dịp Tết.

Cũng theo bà Viên, cây lá dong được trồng ở thôn Vĩnh Phúc lá to, dài, có màu xanh mướt, thân cây phát triển mạnh cho năng suất lá cao nhờ đất phù sa ven sông Lam bồi đắp.

Nhờ bán lá dong mà gia đình bà Viên thu về gần 20 triệu để mua sắm Tết. Ảnh: Trần Tuấn.
Nhờ bán lá dong mà gia đình bà Viên thu về gần 20 triệu đồng để mua sắm Tết. Ảnh: Trần Tuấn

Lá dong của vùng đất này khi gói bánh chưng nấu chín lên, màu xanh đậm của lá dong còn in hằn quanh chiếc bánh ăn rất thơm, khó có nơi nào sánh bằng. Đó là lý do khiến người mua rất ưa chuộng lá dong của thôn Vĩnh Phúc.

Chị Nguyễn Thị Mai (thôn Vĩnh Phúc) chia sẻ, năm nay ít mưa lũ nên cây lá dong sạch, không bị dính bùn đất, rác nên thu hoạch nhanh, bán được giá cao hơn so với những năm trước.

“Cây lá dong rất dễ trồng, đầu tư ít nhưng cũng đòi hỏi phải chăm sóc đúng cách để có được chất lượng lá cao nhất vào đúng dịp Tết. Nghề trồng cây lá dong một năm có thể cho thu hoạch 3 vụ, hoặc có thể cắt tỉa những lá lớn bán quanh năm. Tuy nhiên, do ngày thường nhu cầu cũng ít nên chủ yếu người dân cắt bán lá dong đồng loạt vào dịp Tết” - chị Mai chia sẻ.

Chị Mai thu hoạch lá dong của gia đình. Ảnh: Trần Tuấn.
Chị Mai thu hoạch lá dong của gia đình. Ảnh: Trần Tuấn

Sau khi thu hoạch xong lá dong, người dân bón ít phân lân, phân chuồng, đạm và bón thêm một ít vôi để phòng trừ sâu bệnh. Thời gian sau đó, cây sẽ lại phát triển cho ra lứa lá mới để tiếp tục thu hoạch.

Có nguồn thu để đón Tết vui hơn

Ông Hoàng Xuân Quang - Trưởng thôn Vĩnh Phúc - cho hay, nghề trồng cây lá dong ở thôn Vĩnh Phúc đã có từ lâu đời. Trước đây, người dân đi rừng thấy cây lá dong nên đào đưa về nhà trồng thử thấy đất đai, thổ nhưỡng ven sông Lam phù hợp, cây xanh tốt nên dần hình thành làng trồng cây lá dong thôn Vĩnh Phúc như hiện nay.

Hiện toàn thôn Vĩnh Phúc có 170 hộ dân thì có khoảng 100 hộ dân chuyên trồng cây lá dong phục vụ Tết với tổng diện tích ước hơn 10ha. Trong đó, hộ dân trồng ít là khoảng 300m2, hộ trồng nhiều thì đến hàng nghìn m2.

Hình ảnh quen thuộc của người dân thôn Vĩnh Phúc ngày giáp Tết là thu hoạch lá dong bán. Ảnh: Trần Tuấn.
Hình ảnh quen thuộc của người dân thôn Vĩnh Phúc ngày giáp Tết là thu hoạch lá dong bán. Ảnh: Trần Tuấn

Cũng theo trưởng thôn Vĩnh Phúc, dịp Tết Nguyên đán năm 2024 này, ở thôn Vĩnh Phúc, nhà ít nhất cũng kiếm được 4 - 5 triệu, nhiều nhất khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán lá dong. Lá dong dịp Tết năm nay giá cao hơn những năm trước nên bà con phấn khởi vì có thêm thu nhập để mua sắm Tết.

Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh - thông tin, tại địa phương, số hộ dân và diện tích trồng cây lá dong tập trung nhiều nhất là ở thôn Vĩnh Phúc, vì nơi đây rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Ngoài thôn Vĩnh Phúc, có một số thôn khác cũng có trồng loại cây này nhưng rải rác, không đáng kể.

Nhờ thu hoạch lá dong bán mà nhiều gia đình ở thôn Vĩnh Phúc có cái Tết đủ đầy hơn. Ảnh: Trần Tuấn.
Nhờ thu hoạch lá dong bán mà nhiều gia đình ở thôn Vĩnh Phúc có cái Tết đủ đầy hơn. Ảnh: Trần Tuấn

“Năm nay, cây lá dong được mùa, lá xanh, to, đều, đẹp và bán được giá. Nhờ trồng cây lá dong mà nhiều hộ dân ở địa phương có thêm nguồn thu nhập đáng kể vào mỗi dịp Tết để mua sắm, trang trải, đón Tết vui tươi, phấn khởi hơn” - ông Việt cho hay.

TRẦN TUẤN