Bối cảnh trên thế giới
Công nghệ vật lý số là khái niệm không mới, nổi lên vài năm gần đây. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Leta Captial, quy mô thị trường vật lý số lên đến 216 nghìn tỉ USD trên thế giới năm 2030, tác động đến mọi ngành nghề, trong đó có công nghiệp văn hóa. Trên thế giới, một số quốc gia đã áp dụng công nghệ này vào việc bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa và đạt được tiếng vang lớn.
Chẳng hạn, dự án "Mona Lisa: Beyond the Glass" tại Bảo tàng Louvre (một trong những bảo tàng đón tiếp nhiều khách tham quan nhất trên thế giới) là trải nghiệm thực tế ảo cho phép du khách khám phá bức tranh Mona Lisa một cách hoàn toàn mới thông qua công nghệ VR. Bằng cách sử dụng kính thực tế ảo, du khách có thể tiếp cận gần hơn với bức tranh, khám phá những chi tiết tinh tế và những khía cạnh không thể thấy bằng mắt thường.
Tại Trung Quốc, bảo tàng Hà Nam đã bán được 120.000 bộ sản phẩm là một chiếc hộp khảo cổ bí ẩn, chứa các bản sao thu nhỏ của cổ vật, sử dụng công nghệ vật lý số, với doanh số năm 2023 đạt 4,2 triệu USD…
Cơ hội tại Việt Nam
Với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm, sở hữu nhiều di sản văn hóa quý báu, cả vật thể lẫn phi vật thể, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. So với một số quốc gia khác, Việt Nam đã áp dụng vật lý số khá thành công để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.
Chẳng hạn như định danh số tượng Nghê Văn Miếu, tạo nên cuốn sách vật lý số đầu tiên; Định danh số cho 10 cổ vật đầu tiên tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Ra mắt không gian triển lãm văn hóa Metaverse tích hợp Apple Vision Pro, quảng bá Việt Nam thông qua các di sản đến khách tham quan toàn cầu, đặc biệt là hơn 20 triệu người đang sở hữu các thiết bị như Apple Vision Pro và Meta Quest trên thế giới…
Theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập Phygital Labs – startup về vật lý số tại Việt Nam, công nghệ này hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong việc khai thác bản quyền di sản với 5 lợi ích, bao gồm:
Bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa: Công nghệ vật lý số giúp bảo tồn các di sản văn hóa thông qua việc số hóa và lưu trữ thông tin chi tiết về các hiện vật.
Khai thác bản quyền di sản: Giúp các tổ chức văn hóa tạo ra các sản phẩm phái sinh như ấn phẩm, phim ảnh, và trò chơi điện tử, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung và quảng bá di sản văn hóa ra toàn cầu.
Tăng cường trải nghiệm tham quan và giáo dục: Tạo ra sự hứng thú và thu hút hơn khi tìm hiểu về di sản văn hóa.
Quản lý và phát triển các di sản văn hóa: Việc sử dụng các công nghệ như NFC và blockchain giúp xác thực nguồn gốc và bảo vệ quyền sở hữu các hiện vật, đồng thời tạo ra các kênh mới để quảng bá và khai thác giá trị của di sản.
Mở ra cơ hội kinh tế mới: Công nghệ vật lý số tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc bán vé tham quan triển lãm số, sản xuất và phân phối các sản phẩm phái sinh, và mua bán các bản sao số của các hiện vật di sản.