Từ Bắc...
Đối với người Việt, vui xuân luôn đậm đà hương vị, thể hiện qua từ "ăn" trong ăn Tết. Việc mỗi dân tộc có những món ăn đặc sắc khác nhau vào dịp Tết không chỉ là vấn đề sở thích, khẩu vị đơn thuần mà ít nhiều nói lên những giá trị về lịch sử, phong tục, quan niệm triết lý, tín ngưỡng dân gian.
Trong các món ăn ngày Tết, bánh chưng là phổ biến nhất. Người xưa coi bánh chưng là kết tinh phong vị đất nước. Bánh chưng tượng trưng cho đất trời không chỉ vì tổ tiên ta cho rằng mặt đất hình vuông mà bởi lẽ bánh chưng có vỏ lá dong xanh mát như rừng, có lõi gạo thịt nuôi sống con người. Gói bánh chưng là cả một nghệ thuật và có nhiều cách gói, có thể là hai mặt vuông, nhân thịt hoặc chay, gói bánh hình tròn dài mà miền Nam gọi là bánh tét.
Trong cuốn "Lễ tục trong gia đình người Việt" có viết: "Ở miền Bắc, sáng 30 Tết nhà cửa trang hoàng khác hẳn ngày thường. Bàn thờ được lau chùi cẩn thận, các đồ thờ và đồ dùng bằng đồng được đánh sáng bóng. Mâm ngũ quả đặt giữa bàn thờ, trên đó phải có nải chuối tiêu xanh ôm lấy quả phật thủ vàng hoặc quả bưởi to, thêm vào đó là cam, lê, nho, táo, quýt, hồng xiêm. Nhiều nhà còn bày cà chua, ớt cho thêm phần rực rỡ. Tục bày mâm ngũ quả thể hiện kết quả tốt đẹp của nghề nông và sự phồn vinh của gia đình".
Mâm cỗ Tết cũng được bày biện nhiều màu sắc đẹp mắt, như đĩa xôi gấc đỏ tươi đơm tròn; các món có nước phải bày mấy miếng cà rốt tỉa hoa hay quả đậu xanh; đĩa nộm cũng có màu sắc hài hòa giữa rau thơm xanh, ớt đỏ, lạc rang vàng và su hào trắng. Dâng mâm cỗ lên gia tiên, người miền Bắc vừa chú trọng hình thức, vừa phối hợp hài hòa giữa những món nước và món khô, giữa thịt và rau.
Thưởng thức các món ngon trong không khí ngày đầu xuân mới giúp các thành viên gia đình quây quần, tạm gác đi bao nỗi lo toan, bộn bề cuộc sống, gắn kết tình cảm. Bếp lửa hồng và nồi bánh chưng là hình ảnh đã nuôi lớn tâm hồn, vun vén tuổi thơ của bao thế hệ người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.
...vào Nam
Ở Nam bộ, bày biện trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết Nguyên đán không thể thiếu đôi dưa hấu. Thời trước, đây cũng là một dịp thi đua xem nhà nào cúng dưa to nhất sẽ nổi danh trong làng. "Quả dưa được đặt giữa lòng mấy nải chuối, trên đó có mấy quả cam, trùm lên đầu quả dưa là một quả hồng ép phơi khô trông như chiếc mũ nồi và trên quả hồng là quả quýt chín mọng như một chiếc mào gà. Đó là mâm ngũ quả miền Nam", trích trong sách "Lễ tục trong gia đình người Việt".
Tết đến, người dân ở miền Nam thường mổ heo chứ không mua ở hàng thịt. Những gia đình ít người thì chung nhau mấy nhà một con heo. Vào đêm 30 Tết, họ mới nấu bánh tét.
Hương vị tết miền Nam ngoài dưa hấu, bánh tét còn phải kể đến mứt, hạt dưa vì ven bờ biển các tỉnh Nam Trung bộ trong nhiều dưa hấu. Từ những nguyên liệu quen thuộc, người dân chế biến 4 món ăn thường dùng để cúng và để ăn trong mấy ngày Tết. Thịt hầm phải là thịt bắp đùi (chân giò) hầm nhừ với vài vị thuốc bắc, thịt kho tàu phải là thịt ba chỉ và phải kho với quả dừa xiêm cho vị dịu thơm. Mướp đắng rút ruột rồi nhồi thịt heo băm nhuyễn đem hầm nhừ làm món canh. Nem và bì cũng là món ăn phổ biến, có thể bảo quản qua mấy ngày Tết.
Câu ca dao “Chim kêu ba tiếng ngoài sông/ Mau lo lựa nếp hết đông Tết về" phần nào thể hiện thói quen ăn bánh tét ngày Tết của người dân Nam bộ. Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức, bánh tét được chế biến thành nhiều loại như bánh tét mặn, bánh tét chay không nhân, bánh tét ngọt…
Như một nét văn hóa của người Nam Bộ từ thuở khai hoang, lập cõi đến nay, gói bánh tét như một món ăn chắt chiu những gì tinh túy mà gần gũi nhất trong nông nghiệp để tạ ơn thần đất, ông bà tổ tiên...
Bên cạnh câu đối đỏ, hoa mai, hoa đào nở rộ ngày xuân, ẩm thực dịp Tết với vô vàn món ăn thơm ngon, phong phú cũng góp phần tạo nên nét văn hóa cổ truyền. Có lẽ vì vậy mà người Việt ta xưa nay thường gọi là ăn Tết, hiếm ai lại gọi là lễ Tết.