Nắng nóng kéo dài, tỉ lệ trẻ em và người già nhập viện ở Ninh Bình tăng cao

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các bệnh mùa nắng nóng tăng cao đặc biệt là đối với người già và trẻ em.

Tại khoa khám Bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, mỗi ngày tiếp nhận và khám cho khoảng 600 lượt bệnh nhi. Hầu hết các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn đường ruột …

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, nguyên nhân khiến nhiều trẻ đến khám và nhập viện có liên quan đến thời tiết nắng nóng bất thường, môi trường sống bị ô nhiễm, khói bụi… là điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn, virus, các côn trùng truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh từ đường hô hấp, tiêu hóa…

Để Phòng bệnh thế nào mùa nắng nóng, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước để giúp cơ thể có sức đề kháng tốt với bệnh tật. Tránh đến những nơi đông người khi có dịch bệnh đang lưu hành, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, nơi ô nhiễm, khói bụi... Tạo môi trường nhà cửa xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Hạn chế ra đường và các hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng.

Trẻ em nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Trường
Trẻ em nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Trường

"Khi có các dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, nhất là các thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy... có thể không đạt hiệu quả điều trị, mà còn gây hại cho trẻ. Nên chủ động cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ theo chương trình tiêm chủng tại y tế địa phương, cũng như chủng ngừa thêm một số bệnh thường gặp khác" - bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, mỗi ngày khám và điều trị nội trú cho gần 1.200 lượt bệnh nhân. Trong đó, số lượng người bệnh nhập viện là người cao tuổi tăng do không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, chính vì thế dễ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt, phải nhập viện điều trị. Bên cạnh đó, người có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch cũng tăng vì thời tiết khắc nghiệt dễ phát sinh thêm bệnh.

Bệnh nhân điều trị tại khoa Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình: Ảnh: Nguyễn Trường
Bệnh nhân điều trị tại khoa Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình: Ảnh: Nguyễn Trường

Theo bác sĩ Đào Thị Nhâm - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, trước tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài, để chủ động phòng chống bệnh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Không thực hiện các hoạt động thể dục thể thao dưới trời nắng nóng, không tập các bài tập quá sức và chỉ nên tập luyện điều độ mỗi ngày khoảng 30 phút đến 1 giờ.

Cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm. Những ngày nắng nóng nếu không có việc thật cần thiết, người cao tuổi đặc biệt là những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính không nên ra ngoài trời trong thời gian quá lâu. Không ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao.

Đặc biệt, những người có bệnh lý nền, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định, bệnh không những không khỏi mà còn gây hại. Cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ, chủ động theo dõi sức khỏe và thăm khám kịp thời khi có các dấu hiệu bệnh lý.

NGUYỄN TRƯỜNG