Quốc tế phụ nữ 8.3 là ngày mà những “bóng hồng” được tôn vinh. Trái ngược với màu hồng của những bông hoa, gói quà thì vẫn có những mảnh đời vất vả mưu sinh.
"Công việc của cô ai mà xin nghỉ thì người nào làm"
Đã có 23 năm gắn bó công việc quét đường cho một công ty trên địa bàn thành phố, cô Hà Thị Sơn (54 tuổi) phải làm việc 12h mỗi ngày, từ 14h đến 2h sáng.

Công việc vất vả là thế, không lễ Tết, không giao thừa nhưng cô Sơn vẫn lạc quan: "Cô ra đây làm đường sạch sẽ, mọi người đi chơi vui là cô vui. Công việc của cô ai mà xin nghỉ thì người nào đi làm”.

Những con người quanh năm ngày tháng cần mẫn với công việc, bên xe rác “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trong những ngày này niềm vui lớn nhất đối với họ là làm tốt công việc của mình, khiến đường phố sạch đẹp.
“Bây giờ lớn tuổi, mình cũng không nghĩ cái gì hết”
Tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ lam lũ, nhọc nhằn trong đêm vì miếng cơm manh áo.
Ở cái tuổi đáng lẽ phải sum vầy với con cháu thì bà Tô Thị Tuyết (70 tuổi) vẫn ngày ngày cần mẫn với hàng nước của mình.
Gia đình có 2 người con gái đã gả đi, bà Tuyết bền bỉ bên xe hàng nước của mình từ 15 giờ chiều đến 19-20 giờ tối.
Một ngày tiền lời chỉ vài chục ngàn, nhưng đối với bà có thể tự mình kiếm được đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống là đủ hạnh phúc.

“Bây giờ dì lớn tuổi, dì đâu còn suy nghĩ như tụi nhỏ. Tụi nhỏ còn nghĩ tới 8.3 rồi tặng quà kia nọ. Còn như bây giờ lớn tuổi thì đâu có nghĩ cái chuyện đó đâu”, bà Tuyết chia sẻ.

Với những người phụ nữ đã trải qua hơn nửa đời người, tần tảo mưu sinh thì không còn mong những bông hoa, gói quà.
Đôi khi gánh nặng cuộc sống làm họ quên mất những thứ đó. Họ chỉ biết làm việc, kiếm tiền, trang trải cho bước đường mưu sinh.