Người trẻ gánh áp lực vô hình từ kỳ vọng của gia đình

MINH HỒNG |

Trong khi người trẻ cho rằng tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện năng lực chuyên môn trong công việc là quan trọng nhất thì gia đình họ lại kỳ vọng con có mức lương cao, có nhiều tài sản giá trị. Điều này vô tình khiến người trẻ sợ trở về nhà và nảy sinh cảm giác nghi ngờ bản thân.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2023 thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

Những thông tin này lại càng khiến sinh viên vừa rời ghế nhà trường, bắt đầu tìm kiếm việc làm như anh Nguyễn Long (SN 2001, Hà Nội) thêm hoang mang, lo lắng.

Để trang trải cuộc sống trong lúc tìm việc, anh Long chọn làm một công việc bán thời gian, nhận lương theo giờ. Song song với công việc này, anh cũng lên mạng xã hội, các trang tuyển dụng nhân sự tìm kiếm công việc đúng với chuyên ngành học. Tuy nhiên, hầu hết các công việc mà anh tìm được đều yêu cầu kinh nghiệm trên 1 năm.

Anh Long dần cảm thấy ái ngại trở về quê mỗi khi được nghỉ làm. Ảnh: Minh Hồng.
Anh Long dần cảm thấy ái ngại trở về quê mỗi khi được nghỉ làm. Ảnh: Minh Hồng.

Gặp khó trong tìm kiếm việc làm, anh còn chịu thêm áp lực từ phía gia đình khi phụ huynh thường xuyên tỏ ý không hài lòng với công việc bán thời gian hiện tại của anh.

“Sinh viên ra trường và không có việc làm, tôi gặp khủng hoảng khi so sánh mình với các bạn đồng trang lứa. Khi về nhà, bố mẹ thường xuyên hỏi đã tìm được việc mới chưa, và so sánh mức lương cũng như công việc của tôi với bạn khác khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và thất vọng với chính bản thân” - anh Long tâm sự.

Áp lực với người trẻ không chỉ đến từ một công việc với mức lương cao, với anh Vũ Hải (Thái Bình) là việc phải sớm lập gia đình.

Hiện tại, anh Hải đang làm việc trong lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí tại Hà Nội. Mức lương không quá cao nhưng anh Hải cảm thấy hài lòng với công việc này. Anh lí giải, người trẻ cần tích luỹ nhiều kinh nghiệm, rèn luyện khả năng chuyên môn trước khi đòi hỏi một mức lương cao. Thế nhưng, nhiều người khác thế hệ, môi trường sống lại cho rằng anh đang thụt lùi và an phận.

Mỗi lần về nhà nghỉ lễ, tết, để tránh việc bị họ hàng, người quen "truy hỏi" về công việc, mức lương và chuyện lập gia đình, anh Hải quyết định chỉ trở về nhà nghỉ ngơi nhiều nhất là 2 ngày.

“Khi về quê, đôi khi ngồi giữa mâm cỗ, họ hàng lấy tôi ra làm chủ đề của những câu hỏi như bao giờ lấy vợ, lương tháng bao nhiêu làm tôi thấy ngộp thở. Nhiều lúc tôi cũng khéo léo trả lời cho qua, nhưng vẫn bị “vặn vẹo” đến cùng”, anh Hải chia sẻ.

Anh Hải cho rằng, thay vì phản ánh ứng gay gắt, người trẻ nên khéo léo trả lời họ hàng. Ảnh: Minh Hồng.
Anh Hải dần ít trở về quê hơn để né tránh sự truy hỏi của gia đình. Ảnh: NVCC.

Họ hàng không thấu hiểu và cười đùa trước những vấn đề cá nhân khiến anh Hải cảm thấy không được tôn trọng và dần ít về quê hơn.

Chị Hà Phương (Hà Nội) cũng thường xuyên nhận được những câu hỏi về công việc từ gia đình. Tuy nhiên, trước những tình huống đó, chị Phương cho rằng nên xởi lởi hơn để đón nhận những lời quan tâm từ họ hàng và gia đình.

“Có lẽ do khoảng cách thế hệ, nhiều quan điểm về công việc của cha mẹ không còn phù hợp với xã hội đang thay đổi từng ngày. Thay vì bực bội gây mất đoàn kết gia đình, người trẻ nên mở lòng và chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn đang gặp phải, tìm cách để thay đổi quan điểm của phụ huynh về những vấn đề này” - chị Phương cho hay.

Bên cạnh đó, chị Phương cũng cho rằng các bậc phụ huynh cũng nên thay đổi cách quan tâm con cái. Sự quan tâm sẽ có "tác dụng ngược" nếu sai cách và khiến người trẻ chạy trốn khỏi chính ngôi nhà của mình.

MINH HỒNG