Với sở thích khám phá mọi thứ, mọi vật dụng tưởng chừng vô hại trong căn hộ đều có thể trở thành mối nguy hiểm cho trẻ em.
Trước hết, bố mẹ nên tập trung vào những khu vực trẻ thường xuyên “lui tới” trong nhà như phòng tắm, phòng của trẻ, nhà bếp và phòng khách.
Phòng tắm
Những mối nguy hại từ phòng tắm đầu tiên có thể kể đến việc trẻ tự ý mở nước nóng mà không kiểm tra nhiệt độ trước.
Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ có thể lắp đặt các loại bình nóng lạnh có chế độ khóa trẻ em. Hoặc đơn giản hơn có thể tắt nguồn bình nóng lạnh khi không có nhu cầu sử dụng.
Hãy đặt những chiếc thảm chống trượt trong và ngoài phòng tắm hoặc trên bất kỳ bề mặt sàn nào gần các khu vực có nước để trẻ có thể lau khô chân, tránh trơn trượt.
Phòng riêng của trẻ
Hạn chế cho trẻ ngủ cùng bố mẹ để tránh việc trẻ bị ngạt do có nhiều gối trên giường. Thay vào đó hãy tham khảo các tiêu chuẩn cũi để chọn cho con chiếc cũi phù hợp, an toàn.
Không nên dùng các loại cũi có thiết kế thả bên vì không cẩn thận trẻ có thể bị ngã ra bên ngoài. Nếu sử dụng cũi gỗ, hãy chọn những chiếc có khoảng cách giữa các thanh gỗ ít nhất là 6 cm. Nếu có con dưới 6 tháng tuổi, bố mẹ nên cho con ngủ cũi trống, không có bất kỳ gối hay gấu bông gì bên trong.
Với các thiết bị điện, sử dụng nút che ổ điện để đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Nếu có thể, nên lắp đặt các loại nắp che toàn bộ ổ điện để mang lại hiệu quả tối đa.
Dùng các hộp, ống giấu dây điện để thu gọn tất cả các dây nối từ các thiết bị điện tử để ngăn trẻ tiếp xúc. Nhiều gia đình có trẻ em đã thay việc sử dụng TV với nhiều loại đầu thu đi kèm bằng việc dùng máy chiếu hoặc TV không dây, vừa tốt cho thị lực của trẻ, vừa hạn chế số lượng dây điện “xuất hiện” trong nhà.
Cuối cùng, thay vì chọn các hộp đựng đồ chơi to và có nắp đậy, bố mẹ nên sử dụng các thùng nhẹ không nắp để tránh việc trẻ không cẩn thận có thể bị kẹp ngón tay.
Nhà bếp
Phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, bố mẹ có thể cân nhắc việc lắp đặt cổng ngăn các khu vực, đặc biệt là nhà bếp để tránh trẻ ra vào khi các thiết bị bếp đang hoạt động hoặc khi không có người lớn ở bên trong.
Bố mẹ nên trang bị cho con những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy như hướng dẫn cách khóa bình gas, ghi nhớ các lối thoát hiểm hay cách xử lý tình huống khi có đám cháy xảy ra…
Bên dưới bồn rửa thường là nơi cất giữ các chất tẩy rửa gia đình. Bố mẹ có thể chuyển những sản phẩm này ra xa tầm tay của con trẻ hoặc lắp đặt chốt, khóa để đóng chặt cửa tủ ngay sau mỗi lần sử dụng.
Phòng khách
Lắp đặt các lưới an toàn ở bên trên thanh chắn ban công. Loại lưới này có chốt mở khi cần hoặc trong tình huống khẩn cấp, người lớn có thể cắt bỏ dễ dàng.
Nhiều đồ nội thất trong phòng khách có góc nhọn như bàn trà, kệ TV, gờ cửa sổ… có thể gây thương tích cho trẻ. Phụ huynh có thể mua các miếng bịt góc silicon để bọc lại.
Hiện nay trên thị trường có nhiều lựa chọn silicon để bố mẹ lựa chọn, vừa đảm bảo an toàn cho con, vừa giữ được tính thẩm mỹ cho căn hộ.
Ngoài ra, hãy đặt bình hoa, khung tranh hay các vật dụng dễ vỡ lên cao, ngoài tầm với của trẻ nhỏ.
Đã có rất nhiều trẻ em bị thương hay thậm chí thiệt mạng do các tai nạn bất ngờ ngay tại căn hộ gia đình. Tuy nhiên, với một ít sự cẩn thận, nhiều sự cố có thể được ngăn chặn.
Hãy làm theo những lời khuyên trên để nhà trở thành nơi vui chơi an toàn nhất cho con em của mình.