Quản lý thú cưng chặt chẽ, hạn chế tối đa việc để chó tiếp xúc với người lạ là cách mà ông Phạm Hùng Kiều (Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thực hiện trong cao điểm nắng nóng để phòng ngừa bệnh dại cho người dân. Theo ông Kiều, bên cạnh việc phục vụ sở thích của bản thân, mỗi chủ nuôi chó, mèo cần tiêm phòng định kỳ hàng năm cho chúng, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
"Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết mùa này bệnh dịch ở chó mèo rất nhiều. Do đó, mình nuôi chó, ngoài chủ động tiêm định kỳ theo quy định thú y còn đặc biệt quan sát các biểu hiện bên ngoài của chó chẳng hạn như thái độ tiếp xúc với người lạ, ăn uống, giọng sủa,...", ông Kiều chia sẻ.
Bên cạnh các biện pháp phòng dại, mỗi khi dắt chó chạy bộ ở công viên, ông Kiều cũng mang theo túi ni lông để xử lý chất thải của chó, không để ảnh hưởng mỹ quan đô thị. "Có một số người dắt chó đi chơi làm phóng uế ngoài công viên, tôi hoàn toàn không đồng ý với quan niệm này. Chúng ta cần nuôi chó văn minh hơn từ những việc nhỏ nhặt nhất là chủ động xử lý chất thải của chó", ông Kiều đề xuất.
Tương tự như ông Kiều, những buổi chiều này khi dắt chó đi dạo ở công viên, anh Nguyễn Long (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đều giám sát kỹ hoạt động của chúng, không để ảnh hưởng đến người khác.
"Nhà có 3 con chó và mình là người trực tiếp huấn luyện chúng. Mình cũng ghi chép kỹ lưỡng ngày chích ngừa của từng con. Khi cho chó đi dạo, mình chỉ cho nó vui chơi ở khu vực mình giám sát được, đồng thời không cho nó tiếp xúc trẻ nhỏ, trẻ lạ để phòng ngừa trường hợp xấu nhất xảy ra", anh Long nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Cần Thơ hiện có 28.202 hộ nuôi chó với tổng đàn 47.806 con, chủ yếu là nuôi chó kiểng, chó giữ nhà. Trong 3 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai tiêm 5.000 liều vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Tính đến thời điểm này, Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại trên chó, mèo.
Cũng theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ cho biết, trong tháng 2, số người bị phơi nhiễm dại đến tiêm ở CDC Cần Thơ là 777 lượt người, tháng 3 là 917 lượt người.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cào đều gây ra nhiều rủi ro. Chính vì vậy, sau khi xử trí vết thương cần đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế khám, tiêm ngừa dự phòng bệnh dại.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). Nguyên nhân gây tử vong cao là do 100% số ca tử vong dại không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.