Săn món dế rừng đặc sản, người dân Nghệ An kiếm tiền triệu mỗi ngày

Hà Thủy |

Mùa thu là dịp các thợ săn ở miền núi phía tây Nghệ An rong ruổi cả ngày săn dế rừng. Dế rừng được biết đến như một loại đặc sản, mỗi năm chỉ có một mùa, rất được các thực khách ưa chuộng nên chủ quán nhậu thu mua với giá cao.

Rong ruổi cả ngày săn dế rừng

Thợ săn dế Vi Văn Minh dùng màn chụp quanh giếng rồi dùng lửa tạo khói cho dế bò lên khỏi giếng bám vào màn. Ảnh: Hà Thủy
Thợ săn dế Vi Văn Minh dùng màn chụp quanh giếng rồi dùng lửa tạo khói cho dế bò lên khỏi giếng bám vào màn. Ảnh: Hà Thủy

Dế rừng hay được gọi với cái tên bản địa là con chôm chôm. Dế rừng cũng giống như dế mèn nhưng có đôi chân dài và có càng sắc nhọn hình răng cưa với cặp râu khá dài. Theo kinh nghiệm của các thợ săn ở miền núi thời điểm tháng 7 - 8 âm lịch hằng năm, dế rừng đã bắt đầu có trứng.

Dế rừng sống ở ổ mối, hốc cây, kẽ đá hay những giếng nước bị bỏ hoang trong những cánh rừng. Đồ nghề săn dế gồm túi đựng, con dao, chiếc màn và không thể thiếu chiếc bật lửa.

Năn nỉ mãi tôi mới được theo chân thợ săn Vi Văn Minh (32 tuổi) ở bản Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) rong ruổi cả ngày trời săn dế rừng.

Dế rừng giống dế mèn nhưng có đôi càng có răng cưa và cặp râu rất dài. Ảnh: Hà Thủy
Dế rừng giống dế mèn nhưng đôi càng có răng cưa và cặp râu rất dài. Ảnh: Hà Thủy

Đặc tính của loài dế rừng ngày ở trong tổ, đêm xuống mới đi kiếm ăn. Chúng cực kì thính nhạy, chỉ cần một tiếng động nhỏ là nhảy rất xa hoặc lủi vào tổ cực nhanh.

Các thợ săn sẽ men theo những cánh rừng, lựa chọn những khu rừng có nhiều cây rỗng ruột, tổ mối, hang hốc đá hoặc những khu rừng có nhiều hố khoai mài ngày xưa được người dân đào lấy củ.

Thợ săn may mắn gặp tổ dế rừng nặng cả chục kg, còn trung bình cũng kiếm được 3 - 5 kg dế/ngày. Ảnh: Hà Thủy
Thợ săn may mắn gặp tổ dế rừng nặng cả chục kg, còn trung bình cũng kiếm được 3 - 5 kg dế/ngày. Ảnh: Hà Thủy

Anh Minh cho biết: “Mỗi mùa dế rừng tôi kiếm được một khoản tiền không nhỏ để trang trải cuộc sống, cho con đến trường”.

Tùy thuộc vào địa hình, địa thế của tổ dế mà thợ săn có phương án bắt vừa nhanh gọn mà lại không để xổng nhiều con ra ngoài.

Những ổ ở cây rỗng ruột phải nhanh tay lấy lá cây bịt những lỗ trên thân cây rồi một đầu thả túi lưới hoặc giăng màn, sau đó dùng một cây khác khoắng vào ruột cây cho dế bò ra ngoài.

Dế làm tổ ở các tổ mối thì phải lấy lá khô bịt rồi dùng lửa tạo khói quạt vào để dế ngạt khói ngất đi rồi đào bới lấy dế.

“Có những tổ chỉ 2 - 3 kg dế nhưng có những tổ cả chục cân dế rừng là chuyện bình thường. Trung bình, mỗi ngày rong ruổi săn dế, tôi cũng kiếm được 3 - 5 kg” - anh Minh cho biết thêm.

Loài dế này chỉ sống trong rừng nên các thợ săn thường phải di chuyển nhiều, leo đồi dốc cao. Thợ săn dùng xe máy di chuyển ra các cánh rừng xa đến hàng chục km săn dế đến chiều tối mới trở về nhà.

Món ăn hấp dẫn

Khi đem dế về phải ngâm nước cho dế chết và trôi đi các bụi bẩn, sau đó vặt hai càng sau có răng cưa, rồi nắm đầu dế lôi ra toàn bộ phần ruột bỏ đi.

Dế rừng làm sạch bằng cách cắt 2 càng sau và vặt râu rồi tút đầu đem bỏ ruột. Ảnh: Hà Thủy
Dế rừng làm sạch bằng cách cắt 2 càng sau và vặt râu rồi tút đầu đem bỏ ruột. Ảnh: Hà Thủy

Dế rừng được chế biến thành nhiều món như rang giòn, nấu với măng chua cay, rang lá chanh… thành các món vừa nhậu. Các món ăn từ dế rừng có vị béo, thơm, bùi ngọt, bổ dưỡng.

Chị Lương Thị Dừa (50 tuổi) - một thương lái chuyên thu mua dế rừng ở bản Khe Thần, xã nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ - cho biết, giá dế rừng khá cao và luôn cháy hàng.

Đối với dế chưa làm ruột có giá 250.000  - 300.000 đồng/kg. Còn dế đã được làm sạch ruột có giá 350.000  - 400.000 đồng/kg. Hàng về thường được gửi ra các tỉnh phía bắc hoặc đưa xuống các quán nhậu ở TP Vinh.

Dế rừng làm sạch bằng cách cắt 2 càng sau và vặt râu rồi tút đầu đem bỏ ruột. Ảnh: Hà Thủy
Thương lái thu mua đặc sản dế rừng Ảnh: Hà Thủy

Mỗi dịp mùa thu về, dế rừng được xem như là lộc trời, đặc sản mỗi năm chỉ có một mùa nên nhiều người dân ở đây cố gắng tranh thủ săn để kiếm thêm thu nhập.

Hà Thủy