Tôi sinh ra ở một làng quê ngoài miền Trung, 20 tuổi, tôi vào Bình Dương làm công nhân đã được 20 năm. 20 năm vẫn còn bám trụ được ở mảnh đất này, được công ty nhận làm quả khiến người ta ngạc nhiên lẫn khâm phục. Ai nhìn vào cũng trầm trồ tôi khỏe, công ty có tốt nên mới không tìm cách cho tôi nghỉ khi tuổi đã bước sang độ U50.
Đúng là tôi khỏe thật, nhưng đó là chuyện của ngày trước thôi, chứ giờ đây, chân tay tôi cũng rệu rã đi nhiều, nhiều lúc còn nghĩ, cơ thể này chẳng còn là của mình nữa khi tay chân nhấc không nổi. Vốn là con nhà nông nên tôi ăn được, làm được. Vào Nam làm công nhân, nhiều người chỉ làm 8 tiếng đã than mệt thì tôi vẫn cứ tăng ca đều, hôm nào không tăng ca tôi còn buồn nữa. Tiền lương có hạn nên tôi cũng chi tiêu tằn tiện, ngoài bữa cơm ở công ty, về nhà tôi bạ gì ăn đó, khi thì gói mì, khi thì củ khoai, không hiếm những bữa tăng ca về mệt quá, tôi ngủ luôn mà chẳng cần ăn uống gì. Đến sáng hôm sau, ăn vội gói xôi, củ khoai rồi vào ca làm việc…
Sữa, thịt cá tươi, rau xanh trong bữa ăn đối với tôi quá xa xỉ. Tôi phung phí sức mình như thế gần 10 năm. Đến năm thứ 11 của đời làm công nhân thì tôi bắt đầu cảm nhận rõ sức khỏe của mình đang xuống dốc. Tôi bắt đầu hạn chế tăng ca và nghĩ đến việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, lúc này lại mắc chuyện con cái, bố mẹ ngoài quê đã già, cần được hỗ trợ tiền bạc để lo cho sức khỏe, tôi lại gác chuyện chăm sóc sức khỏe của mình qua một bên.
Mà chẳng phải mình tôi sống như vậy, hầu hết các chị em công nhân cùng chuyền, cùng công ty, cùng xóm trọ của tôi đều vậy. Chúng tôi đúc kết, đời công nhân có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là từ lúc mới vào làm công nhân đến 30 tuổi là giai đoạn dốc sức tăng ca, kiếm tiền. Giai đoạn 2 là từ 30 tuổi đến khoảng 40 tuổi, cảm nhận sức khỏe xuống dốc nhưng lại vướng con cái. Giai đoạn 3 là ngoài 40 tuổi, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện về hưu.
Với riêng cá nhân tôi, làm công nhân đủ 20 năm và đóng đủ BHXH đủ 20 năm đã là một điều khá may mắn đối với nhiều đồng nghiệp. Dù sức khỏe của tôi đã suy giảm đi nhiều nhưng con còn nhỏ nên tôi vẫn cố gắng làm, đặc biệt, công ty tôi vẫn ưu ái cho những lao động lớn tuổi, bố trí công việc phù hợp, không yêu cầu tăng ca nếu sức khỏe không đảm bảo. Chính vì thế nên tôi vẫn đang cố gắng làm việc thêm một vài năm nữa, nhưng quả thật, tôi biết sức mình đến đâu. Với tôi, làm công nhân đến 50 tuổi đã là một sự cố gắng, nỗ lực lớn của bản thân rồi.
Và tôi dự định, khi tôi nghỉ việc, nếu số năm đóng BHXH của tôi đủ, tôi sẽ để đó để chờ đến tuổi hưu thì nhận, nếu được nhận trợ cấp khi nghỉ việc, tôi sẽ dùng số tiền đó để mở một quầy nước nhỏ hoặc kinh doanh cái gì đó nhỏ nhỏ phù hợp với sức khỏe của mình. Đó là kế hoạch không chỉ của tôi mà còn của rất nhiều công nhân khác nữa.
Cho nên khi nghe đến tăng tuổi hưu, công nhân chúng tôi hết sức ngao ngán. Tôi không biết lao động trí óc, những người lãnh đạo thế nào, tăng tuổi hưu họ sẽ cống hiến được thêm bao nhiêu, nhưng đối với những lao động tay chân, làm việc trong môi trường nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm thì tăng tuổi hưu đúng là một cực hình nếu sức khỏe không cho phép. Vậy nên, tăng tuổi hưu, bàn ở đâu thì bàn, tăng ở đâu thì tăng, nhớ chừa chúng tôi ra nghen!