Tết Đoan ngọ, cồn Mỹ Phước lại rộn ràng Ngày hội sông nước miệt vườn

Phương Anh |

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), người dân từ khắp nơi lại tề tựu về Khu Văn hóa Lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) để tham gia Ngày hội sông nước miệt vườn.

Ngày hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước là hoạt động văn hóa thường niên được huyện Kế Sách tổ chức vào đúng Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) với mục đích quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút các nhà đầu tư đến khai thác khu du lịch. Đồng thời giới thiệu về các loại trái cây đặc sản, các loại thủy sản nước ngọt đặc trưng của huyện Kế Sách; tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân gian truyền thống, ẩm thực…

Nằm trong khuôn khổ của Ngày hội năm nay, hoạt động triển lãm, trưng bày và hội thi trái cây ngon được xem là nội dung chính, luôn hấp dẫn đối với khách tham quan. Đến với Lễ hội, du khách xa gần được tham quan, chiêm ngưỡng và thưởng thức hơn 30 loại trái cây của miệt vườn sông nước.

Nhiều loại trái cây đặc sản của huyện Kế Sách được trưng bày tại Ngày hội. Ảnh: Phương Anh
Nhiều loại trái cây đặc sản của huyện Kế Sách được trưng bày tại Ngày hội. Ảnh: Phương Anh

Năm nay, ngoài các đơn vị các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kế Sách chuẩn bị khá chu đáo, đảm bảo về số lượng, đa dạng về chủng loại còn có thêm 1 gian hàng của huyện Phú Giao (Bình Dương) với những sản vật cây ăn trái đặc trưng của địa phương mang đến cho Ngày hội với đầy đủ sắc màu cây ăn trái.

16 gian hàng trưng bày gần 10 tấn trái cây với đa dạng chủng loại như nhãn, sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, cam sành, nhãn tím đến các loại trái thốt nốt, ca cao, dừa, chuối, lê ki ma,..

Ngoài mục đích quảng bá đặc sản vùng miền và tìm kiếm thị trường, việc trưng bày các gian hàng trái cây còn là dịp để các nhà vườn tỉnh Sóc Trăng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sản xuất hiệu quả.

Ông Trịnh Phước Hùng - một nhà vườn ở Cồn Mỹ Phước - cho biết, gia đình ông đã cúng ông bà tổ tiên và ăn Tết Đoan ngọ vào ngày mùng 4 âm lịch để mùng 5 đến các gian hàng trưng bày trái cây tham quan, tìm hiểu mô hình.

Ngày hội còn trưng bày nhiều loại trái cây độc lạ (trong ảnh: Trái bưởi da xanh có hình dáng dài được trưng bày tại gian hàng trái cây). Ảnh: Phương Anh
Ngày hội còn trưng bày nhiều loại trái cây độc lạ (trong ảnh: Trái bưởi da xanh có hình dáng dài được trưng bày tại gian hàng trái cây). Ảnh: Phương Anh

Mặc dù là nhà nông có nhiều kinh nghiệm trong canh tác nhãn xuồng, thanh nhãn nhưng ông Hùng vẫn nhiệt tình trao đổi với những nhà vườn trồng nhãn khác trong huyện để chọn lọc những cách thức canh tác tiên tiến, hiện đại, giảm chi phí giá thành sản xuất nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Ông Hùng cho biết thêm, đây là dịp để các nhà vườn được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc làm vườn.

Ông Cao Minh Thơm - Phó chủ tịch UBND huyện Kế Sách - cho biết: Qua hơn 10 năm tổ chức, Lễ hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước đã thật sự phát huy được hiệu quả tích cực, giúp địa phương kết nối, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch miệt vườn sông nước; tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây; giúp người dân tiếp xúc với du khách gần xa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để trao đổi, nâng cao chất lượng cây trồng, sản phẩm.

Kế Sách là vùng đất của cây lành trái ngọt và được người dân cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL. Trong đó, có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được công nhận 4 sao như bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa, và một số loại cây như sầu riêng, măng cụt, nhãn ido, thanh nhãn, xoài, chôm chôm, mận,... đã đem về nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn.

Phương Anh