Diễn ra từ 2-10.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm "Dòng chảy" nhằm nâng cao giá trị văn hóa truyền thống thông qua các chất liệu và hình ảnh hoa sen; truyền tải thông điệp về sự chữa lành thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật với cộng đồng và tạo nên một không gian mở cho sáng tạo và trải nghiệm nghệ thuật.
Triển lãm trưng bày 41 tác phẩm hội họa trên các chất liệu truyền thống như giấy dó sơn mài, lụa và 3 tác phẩm điêu khắc gỗ của 3 tác giả: Trang Thanh Hiền, Hoàng Hương Giang và Đinh Thị Kim Liên.
Những tác phẩm của tác giả Trang Thanh Hiền xoay quanh chủ đề Phật giáo trên đồ họa khắc in kết hợp với mực nho và màu nước. Tác phẩm của Hoàng Hương Giang về chủ đề sen và hoa trên chất liệu giấy dó và sơn mài. Tác phẩm của Đinh Thị Kim Liên về chủ đề về lễ hội và đời sống sinh hoạt làng quê trên chất liệu sơn mài và giấy dó.
Dòng chảy của Hoàng Hương Giang tràn trề xúc cảm qua những bức tranh sen tươi mới sắc xuân. Tranh của cô như thấm đượm sự bay bổng, nên thơ trong các ý niệm về cuộc đời.
Cũng là sen, dòng chảy nghệ thuật của Trang Thanh Hiền lại có phần giản đơn và điềm tĩnh hơn. Với sự tài tình của một nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa Phật giáo, ngắm tranh của chị, người xem như thấy được cả những câu hỏi mở về cuộc đời mình bên trong.
Câu hỏi về một hành trình dài, mà dòng chảy cuộc đời sẽ giúp chúng ta lưu lại trong những sâu thẳm của những điều đã qua. Và, tranh của Đinh Thị Kim Liên là những khoảnh khắc ấy, trong sự biểu cảm rất ấn tượng về những gương mặt người đời.
Trong vô vàn những bề bộn của cuộc sống, để có thể được vẽ, để có thể yêu với niềm đam mê của chính mình, đôi khi với những người phụ nữ là cả một sự đánh đổi.
Triển lãm "Dòng chảy" là một mạch nước ngầm trong suốt đầy khắc khoải và yêu thương. Trên những chất liệu truyền thống: sơn mài, giấy dó... các tác phẩm như dấu ấn của một hành trình mà mỗi nữ nghệ sĩ đã tìm kiếm những giá trị đậm sắc văn hóa Việt.