Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A khái quát các loại ứng xử trên không gian mạng. Theo nữ tiến sĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu ứng xử thì trên mạng xã hội có tương ứng bấy nhiêu. Tuy nhiên, các cách ứng xử trên không gian mạng sẽ phong phú hơn về dạng thức thể hiện vì được hỗ trợ các công cụ đặc thù như icon, meme hay đoạn clip. Nếu như trong đời sống thật, họ không có khả năng biểu đạt được điều đó trên gương mặt thì những nhãn dán sẽ giúp người dùng tăng hiệu ứng thể hiện cảm xúc.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại. Một trong số đó chính là bộc lộ cảm xúc, thể hiện tâm tư tình cảm của mỗi người. “Nếu như đặt họ vào trong đời sống thật, có thể họ không dám nói hay không có năng lực để biểu đạt”, nữ khách mời cho biết.
“Ví dụ một anh nào đó muốn nói lời yêu thương với một ai đó nhưng nếu nói trực tiếp thì không có vốn từ nhưng thông qua không gian mạng, anh ấy có thể gửi hình hay sao chép những thông tin có sẵn để gửi đi. Đó là những cái lợi của không gian mạng”, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A chia sẻ thêm.
Đạo diễn Lê Hoàng kết luận, trên không gian mạng, cái tôi của người dùng được thể hiện nhiều hơn. Theo nam đạo diễn, rất nhiều người không có cơ hội nói vì phải có cơ hội và khả năng diễn đạt. Khi chưa có mạng xã hội, nhiều người không phải nhà văn, nhà báo thì không có nơi để bày tỏ suy nghĩ, chỉ có thể nói cùng bạn bè, người quen. Đối với thời điểm hiện nay, một người nói với ai đó vào hôm trước thì hôm sau có thể toàn xã hội đều biết. Mạng xã hội đã mở rộng quyền ngôn luận của con người.
Song, mặt trái của sự tiện lợi của không gian mạng chính là người dùng lạm dụng việc bộc lộ cái tôi cá nhân, tiếng nói, ý kiến riêng để gây ảnh hưởng đến người khác. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A bày tỏ: “Khi bạn được quyền bộc lộ cái tôi, tiếng nói cá nhân mà không cần thiết phải có danh phận nào đó, bạn phải tự hỏi rằng bạn có khả năng kiềm chế hay không? Cái tôi ấy nên dừng lại ở mức độ nào để bạn an toàn? Bạn có đang làm tổn thương ai đó hay không? Rất tiếc, không phải ai cũng có đủ năng lực này. Ai cũng có nhu cầu nhưng không phải ai cũng có năng lực tương ứng với việc giải quyết nhu cầu”.
Bổ sung thêm về ý kiến của khách mời Tô Nhi A, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, nhiều người chẳng kiềm chế gì cả. Không ai biết họ là ai. Họ nói để “sướng miệng” và để “đập chết kẻ kia”.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận xét, cách dùng cụm từ “đập chết kẻ kia” của đạo diễn Lê Hoàng rất đắt giá. Theo quan sát của nữ tiến sĩ tâm lý, đôi khi việc “đập chết kẻ kia” không nằm trong ý thức chủ động của họ. Có nghĩa, người dùng mạng không biết được rằng điều mà họ đang làm, vô tình tạo ra những sự tổn thương lớn thế nào đến với người nhận.