Thông tin trên vừa được nêu ra trong một báo cáo của UBND TPHCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM từ năm 2009 đến năm 2023.
Theo UBND TPHCM, nếu như năm 2009, TPHCM quản lý 4.442.675 phương tiện (bao gồm 404.107 ôtô và 4.038.568 mô tô), thì đến tháng 12.2023, TPHCM quản lý 9.220.973 phương tiện (bao gồm 940.126 ôtô và 8.280.847 mô tô).
Như vậy chỉ trong vòng 14 năm qua, TPHCM đã tăng thêm tổng cộng 4.778.298 phương tiện (tăng 108% so với thời điểm năm 2009), trong đó tăng 536.019 ôtô (133%), tăng 4.242.279 mô tô (105%). Trong giai đoạn 2009 – 2023, bình quân mỗi năm tổng số phương tiện tăng 7,2%/năm.
Trong khi số lượng phương tiện giao thông gia tăng chóng mặt thì cơ sở hạ tầng giao thông lại tăng không đáng kể và chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thời điểm năm 2009, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố là 1,72km/km2, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị là 5,85%. Đến năm 2023, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố là 2,38km/km2 (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng thì phải đạt 10-13,3km/km2); tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị là 13,88% (theo quy định quỹ đất dành cho kết cấu giao thông đường bộ với đô thị đặc biệt như TPHCM phải đạt 24-26%).
Theo UBND TPHCM, phương tiện giao thông cá nhân liên tục tăng, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng; chưa có loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro và chưa triển khai giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân là một phần nguyên nhân làm gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.