Nhạc sĩ Lê Minh Sơn làm tour nhạc Phật giáo xuyên Việt

Nhật Quân |

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn phổ nhạc một số bài kinh quen thuộc, tổ chức đêm nhạc ở ba miền với mong muốn góp phần lan tỏa tinh thần, tư tưởng Phật giáo.

Chương trình diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội (7/6), Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng (15.6) và Nhà hát Lớn TPHCM (12.7). Trong hai tiếng, nhạc sĩ Lê Minh Sơn và các ca sĩ trẻ sẽ biểu diễn các ca khúc do nhạc sĩ phổ nhạc gồm 6 ca khúc: Dâng hương, Con đường Như lai, Giác đạo, Tứ diệu đế, Niệm Phật, Hồi hướng (Ca từ trích trong kinh Chuyển pháp luân do Giáo hội Phật giáo Việt Nam biên soạn, giữ bản quyền, đã cho phép nhạc sĩ sử dụng) và 2 ca khúc phổ thơ của Hòa thượng Thích Thọ Lạc: Bốn trọng ân, Sóng với nước một thể. Dự án phát sóng trực tiếp phi lợi nhuận.

Kinh Chuyển Pháp Luân là lời dạy đầu tiên của Đức Phật sau khi thành đạo 7 tuần tại Vườn Nai, thành Ba Na Lại - Varanasi - Ấn Độ cho 5 anh em tôn giả Kiều Trần Như với triết lý “Trung Đạo”: hướng con người biết cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần để thân khỏe tâm an, biết hài hòa giữa con người với con người để thế giới thực sự hòa bình, biết hài hòa giữa con người với thế giới thiên nhiên để bảo tồn sự sống của con người và trái đất, cùng triết lý “Tứ Đế” nhằm hướng con người bớt khổ thêm vui, nhân cách hoàn thiện. Đặc biệt là sau khi Đức Phật thuyết giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân này xong thì ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) được hình thành từ đó. Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức lựa chọn bài Kinh Chuyển Pháp Luân này làm bài kinh tụng chung cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các diễn đàn quốc lễ và quốc tế lễ từ năm 2018...

"Đây là một dự án âm nhạc đầy cơ duyên. Cách đây tròn 15 năm, tôi từng được gặp Hoà thượng Thích Thọ Lạc (hiện là Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) trong chuyến thăm đảo Trường Sa và từ đó đến nay đã được thầy giúp thấu hiểu sâu hơn về đạo Phật với những nét đẹp của tâm linh. Một năm trước, thầy đã gợi ý và động viên tôi thực hiện dự án độc đáo này. Theo thầy thì nhiều hòa thượng trên thế giới đã dùng cách này để truyền tải tư tưởng sống đời đẹp đạo một cách gần gũi", nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết. Sau sáu tháng, nhạc sĩ viết xong 11 bài, đồng thời hòa âm phối khí. Chương trình từng biểu diễn ở một số ngôi chùa trước khi ra đến không gian trang trọng của nhà hát Lớn.

"Kinh Phật vốn hay và giàu ý nghĩa, nhưng khi chuyển thành bài hát cần có hòa thanh, tiết tấu và dấu ấn của nhạc sĩ. Cái khó của tôi là có những câu lặp đi lặp lại đến năm, bảy lần, phải tìm cách biến tấu để giai điệu không nhàm chán và thật gần gũi với người nghe. Có thể nói, đây là dự án âm nhạc khó nhất đối với tôi, kể từ khi cầm bút sáng tác năm 11 tuổi", nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ. Để hoàn thành dự án này, anh đã dày công nghiên cứu kỹ nội dung, ý nghĩa bản kinh Chuyển pháp luân, đồng thời tham khảo một số ca khúc nhạc Phật của Ấn Độ, Tây Tạng... Nhạc sĩ hiện đảm trách vị trí Phó trưởng Phân ban Âm nhạc Nghệ thuật Phật giáo - Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Những năm gần đây, nhiều sư thầy trên thế giới phổ nhạc kinh Phật theo các phong cách khác nhau, thu hút sự quan tâm của khán giả. Điển hình, thầy Kanho Yakushiji - người Nhật Bản - có tour lưu diễn cháy vé ở nhiều nước châu Á.

Lê Minh Sơn, 49 tuổi, tốt nghiệp xuất sắc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng tu nghiệp ở Pháp. Anh gắn bó dòng nhạc dân gian đương đại, những hình ảnh như ruộng vườn, ao chuôm, cánh cò, đồng lúa... Nhạc sĩ từng được bình chọn là Nhạc sĩ của năm (2004) tại giải âm nhạc Cống Hiến và giải Bài hát của năm (2005) và giải Bài hát dân gian đương đại nổi bật (2006) tại giải thưởng Bài hát Việt do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Anh được biết đến rộng rãi với nhiều tác phẩm nổi tiếng: Ôi quê tôi, À í a, Chạy trốn, Trăng khuyết, Chuồn chuồn ớt, Đá trông chồng, Cặp ba lá, Bên bờ ao nhà mình... cùng nhiều dự án âm nhạc cộng đồng gây được ảnh hưởng tích cực.

Nhật Quân