Ellen Burstyn tên thật là Edna Rae Gillooly, sinh năm 1932 tại Detroit, Mỹ. Khi lớn lên, bà chọn theo học ngành đồ hoạ thời trang, ngoài ra còn làm người mẫu và vũ công. Về sau, bà quyết định chọn theo đuổi nghiệp diễn với nghệ danh Ellen McRae và đổi sang họ Burstyn sau khi lấy chồng.
Thời điểm bắt đầu sự nghiệp, Burstyn thường xuyên đi diễn trên sân khấu Broadway. Tham gia vai trò nhỏ trong các phim giờ vàng như The time tunnel, Ben casey… Nhưng phải đến 7 năm sau trong "The last picture show", bà mới lần đầu được đề cử Oscar ở hạng mục nữ phụ.
Tuy nhiên, thành công toàn cầu chỉ đến với Burstyn sau vai diễn người mẹ quả cảm Chris MacNeil trong phim kinh dị "The Exorcist". Burstyn đã hoàn thành xuất sắc vai diễn và được đề cử Oscar ở hạng mục nữ chính, song phim cũng khiến bà gặp chấn thương xương cụt, dẫn đến di chứng ở cột sống.
Sự nghiệp của Ellen Burstyn với hơn 160 tác phẩm phim ảnh và trên 40 giải thưởng, trong đó có danh hiệu “Tam đại diễn xuất” với 2 tượng Oscar (cho phim Alice doesn’t live here anymore), 2 giải Emmy và 1 cúp Tony. Bà cũng nhận 7 đề cử Quả cầu vàng và thắng 1, cùng 1 giải thành tựu trọn đời tại liên hoan phim Munich, khi bà đã 84 tuổi.
Sau nửa thế kỷ kể từ "The Exorcist", Ellen Burstyn gây bất ngờ khi tái xuất ở "Quỷ ám: Tín đồ". Trở lại với vai Chris MacNeil, Burstyn đã lập kỷ lục trở thành nữ diễn viên có vai diễn dành ra khoảng nghỉ lâu nhất trong lịch sử điện ảnh với thời gian 50 năm, phá vỡ kỷ lục của Carrie Fisher trong "Star wars" (32 năm) và đứng thứ 2 chung cuộc, chỉ xếp sau Dick van Dyke ở "Mary poppins returns" (54 năm).
Vai diễn trong bộ phim này cũng đã lập ra một kỷ lục mới về cặp đôi nhân vật – diễn viên tồn tại lâu nhất trong lịch sử điện ảnh. Đây được xem là tín hiệu tốt và tích cực, cho thấy tuổi tác không phải rào cản trong điện ảnh.
Burstyn đã chấp nhận mang Chris trở lại trong dự án 2023 như một cách nâng tầm nhân vật, đồng thời hiện diện như “nhân chứng sống” giúp các nhân vật phụ huynh có con bị quỷ ám tìm thấy sự đồng cảm, cũng như phương cách để cứu lấy con của họ.