Bối cảnh Nam Mỹ có một không hai
Nếu những tập phim trước đã đưa khán giả tới với các địa danh đầy tính biểu tượng như Stonehenge hay Đại Kim tự tháp ở Ai Cập thì với "Transformers: Quái thú trỗi dậy", nhóm sản xuất đã tự đặt ra những thách thức cho bản thân mình.
Thoạt đầu, họ đã cân nhắc Đỉnh Kilimanjaro, ngọn núi lửa không còn hoạt động ở Tanzania nhưng Machu Picchu - thánh địa huyền thoại được xây dựng từ thế kỷ 15 ở miền Nam Peru - là lựa chọn cuối cùng.
“Chúng tôi không thể ngừng suy nghĩ về phân cảnh lễ hội tưng bừng trong câu chuyện này với sự góp mặt của hàng trăm con người trong các bộ trang phục truyền thống, và kế bên họ là các con robot.
Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sẽ tới Peru với một số lượng thành viên đông đảo vì từ trước tới giờ chưa ai từng được ghi hình cho một bộ phim với quy mô lớn như vậy ở vùng đất đó", Nhà sản xuất Mark Vahradian cho biết.
Đạo diễn cũng chính là người hâm mộ của Transformers
Steven Caple Jr. mới chỉ 19 tuổi ở thời điểm tập phim đầu tiên của “Transformers” do Michael Bay đạo diễn được công chiếu. Và cũng giống như hàng triệu khán giả trên khắp thế giới, chàng trai trẻ đã nhanh chóng trở thành fan cuồng của loạt phim.
“Trao quyền tổng chỉ huy cho một người giống như cậu ấy - một nhà làm phim trẻ tuổi và có những cách tiếp cận mới mẻ - chính là cách để chúng tôi có thể làm ra một "Transformers: Quái thú trỗi dậy" thực sự khác biệt so với các phần phim khác trong loạt phim, đặc biệt là về mặt cảm xúc của câu chuyện", Vahradian bình luận.
Khác biệt trong thiết kế và hiệu ứng
Thiết kế của các robot trong phim là sự hòa trộn giữa các thiết kế từ các phim của Michael Bay và mẫu G1. G1 Transformers là thuật ngữ chỉ thời kỳ đầu tiên của loạt phim hoạt hình, đồ chơi, trò chơi điện tử và các sản phẩm khác liên quan tới "Transformers".
Thời kì này kéo dài từ năm 1984 đến 1992 đánh dấu sự ra mắt của nhiều đội robot biến hình khác nhau, đồng thời giới thiệu đến các nhân vật mà sau này trở thành trụ cột của loạt phim điện ảnh.