Đội Lửa thực hiện phần thi đầu tiên của thử thách dự án Eco. Bãi biển Cần Giờ, điểm đến của đội Lửa trong hành trình thực tế, đang đối diện với vấn nạn rác thải nhựa ở khắp mọi nơi. Từ hiện trạng đó, cả nhóm đưa ra dự án "Phân loại tốt - Ủng hộ tái chế", bằng cách khép kín quy trình của chai nhựa từ khi được thải ra cho đến điểm tập kết rác, đóng thành kiện sau đó chuyển về nhà máy tái chế thành những sản phẩm có vòng đời mới.
Đội Lửa đã lan tỏa thông điệp "Giảm sử dụng - Tái sử dụng - Tái chế".
Đội Nước mang đến dự án "Hạnh phúc của ánh sáng" để hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo cho các hộ dân sống thiếu điện, thiếu nước ở khu vực Mã Đà (Thủy điện Trị An, Đồng Nai). Đội đã hiện thực dự án bằng cách tặng các tấm pin năng lượng mặt trời, hỗ trợ hệ thống lọc xử lý nước giếng khoan sinh hoạt. Đội Nước kết thúc phần thuyết trình của mình bằng thông điệp: “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đội Khí chọn giải pháp hạn chế rác thải ra môi trường bằng cách sống xanh. Nhóm xây dựng các "Trạm xanh lưu động" với mục tiêu rõ ràng trong một năm: sẽ có 50 "Trạm xanh lưu động" ở các trường học. 1 triệu người theo dõi trên kênh xã hội, 200 bạn tham gia workshop mỗi tháng, giúp đỡ 30-50 bạn có việc làm ổn định và cuối cùng là giảm 300.000 rác thải nhựa dùng một lần.
Tất cả những mục tiêu đó của đội Nước đều hướng tới thông điệp cuối cùng là "Sử dụng sản phẩm xanh - Trả thế giới trong lành".
Kết quả là đội Nước đã giành giải thưởng 100 triệu đồng cho dự án Eco xuất sắc nhất, còn đội Lửa giành giải thưởng đội có hành trình thực tế xuất sắc nhất có giá trị 100 triệu đồng. Được biết, số tiền của các giải thưởng sẽ được đưa vào phần thực hiện dự án sau đêm chung kết của chương trình.
Tập 8 cũng chứng kiến khoảnh khắc chọn ra 30 thí sinh xuất sắc bước vào đêm chung kết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có các thí sinh phải dừng chân với cuộc thi.
Với 9 thí sinh bước vào vòng nguy hiểm. Kết quả Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Phạm Như Ý và Trương Thị Thùy Trang đã được ban giám khảo trao vòng nguyệt quế để giữ lại tới đêm chung kết của cuộc thi.