Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam” với mục đích tôn vinh những giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Qua đó góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mỹ thuật dân gian truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời giới thiệu, quảng bá bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng đến người dân và du khách.
Tranh dân gian Việt Nam có lịch sử lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam, được sáng tạo và kế thừa phát triển bởi các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam.
Triển lãm lần này giới thiệu đến công chúng 100 hiện vật thuộc các dòng tranh dân gian Việt Nam của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, tranh Kính Huế, tranh kính miền Nam, tranh kính Khmer, tranh sơn mài dân gian, tranh gói vải...
Những hiện vật gồm tranh và một số mộc bản được chọn từ bộ sưu tập 341 hiện vật do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa (Hà Nội) và các nghệ nhân hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ năm 2022 đến 2024.
Với nội dung phong phú, sinh động, các dòng tranh đều thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân hướng tới cuộc sống tốt đẹp, hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Mỗi dòng tranh có lối thể hiện rất riêng biệt, màu sắc tự nhiên rực rỡ, nét khắc, vẽ điêu luyện mang đậm bản sắc dân tộc.
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, TS Nguyễn Thị Thu Hòa - nhà sưu tập hiến tặng hiện vật - chia sẻ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã sắp xếp các bức tranh một cách rất trân trọng cũng như đã có những chú thích cẩn thận cho từng tác phẩm khi trưng bày ở đây.
“Tôi mong rằng tất cả người dân và du khách khi đến tham quan triển lãm có thể trân trọng và phát huy được những di sản mà TP Đà Nẵng đã trưng bày cả về tranh dân gian và các loại hình di sản khác”, bà Hòa nói.
Kết hợp trong chương trình khai mạc triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Làng Sình dành cho đại biểu, khách mời, công chúng tham dự lễ khai mạc triển lãm.